Khi nào cho bé ăn bánh ăn dặm?
Vì bánh ăn dặm được chế biến để tan nhanh trong miệng nên rất phù hợp để bé rèn luyện sự khéo léo và tập tự ăn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng, phụ huynh nên đợi đến khi trẻ có thể tự ngồi mà không cần hỗ trợ và có thể đưa thức ăn vào miệng rồi mới bắt đầu cho bé ăn bánh ăn dặm.
Tùy vào khả năng phát triển của từng trẻ mà mỗi bé sẽ có thể tự ngồi và tự ăn ở một độ tuổi khác nhau. Thông thường, trẻ từ 8-9 tháng tuổi đã có thể tự ngồi và tự ăn được. Nhưng một số trẻ có thể đạt được mốc phát triển sớm hơn vào khoảng 6-7 tháng.
Do đó, cha mẹ cần quan sát và theo dõi các biểu hiện của con để quyết định khi nào cho bé ăn bánh ăn dặm. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để xác định xem bé đã sẵn sàng thử bánh ăn dặm hay chưa.
Tiêu chí chọn mua bánh ăn dặm cho bé
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bánh ăn dặm cho bé. Cha mẹ cần cân nhắc kỹ và lựa chọn loại bánh ăn dặm thật sự phù hợp với trẻ để bé có thể tận dụng tối đa lợi ích của loại bánh này và phát triển tốt nhất có thể. Dưới đây là các tiêu chí mà phụ huynh cần ghi nhớ khi chọn mua bánh ăn dặm cho trẻ:
1. Chọn mua bánh ăn dặm phù hợp độ tuổi của trẻ
Với mỗi độ tuổi khác nhau, trẻ sẽ có nhu cầu dinh dưỡng và khả năng phát triển khác nhau. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc điểm thể trạng và dinh dưỡng của bé trong từng giai đoạn, các nhà sản xuất đã cho ra đời đa dạng dòng bánh ăn dặm phù hợp với từng độ tuổi của trẻ. Do đó, cha mẹ cần lựa chọn đúng loại bánh phù hợp với độ tuổi của bé để mang lại hiệu quả cao khi sử dụng.
- Với trẻ 6-7 tháng tuổi: Đây là giai đoạn bé bắt đầu tập ăn dặm và mọc răng. Phụ huynh cần chọn bánh ăn dặm mềm, xốp để răng sữa của bé có thể dễ dàng cắn. Đồng thời, nên ưu tiên mua bánh có hình que, hình miếng không quá bé để trẻ có thể cầm, nắm và không bị nghẹn.
- Với trẻ 8-9 tháng hoặc lớn hơn: Bé đã quen với việc ăn dặm, nên có thể tập ăn những loại bánh cứng hơn, có hình dáng nhỏ hơn, giúp quá trình luyện nhai và tập cầm nắm hiệu quả hơn.
2. Chú ý thành phần dinh dưỡng của bánh ăn dặm cho bé
Bánh ăn dặm cho bé thường cung cấp một lượng vừa phải các chất dinh dưỡng cơ bản, cần thiết cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên, vẫn có một số dòng bánh được bổ sung thêm các chất như canxi, protein, sắt, chất xơ… Do đó, phụ huynh cần dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của con để chọn mua loại bánh ăn dặm phù hợp cho bé.
Thành phần dinh dưỡng được khuyến nghị là 50-60% bột đường, 12% chất đạm, 25% chất béo, cùng các chất khoáng khác như canxi, sắt, kẽm…
Mặt khác, cha mẹ cần lưu ý không mua bánh có hàm lượng đường quá nhiều, cũng như không mua bánh chứa quá nhiều kim loại nặng, ảnh hưởng đến sự cân bằng dinh dưỡng và sức khỏe của bé.
3. Lựa chọn thương hiệu uy tín
Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu bánh ăn dặm cho bé. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ nên chọn mua bánh của các thương hiệu nổi tiếng, uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên ưu tiên chọn bánh có hạn sử dụng dài để tránh lãng phí.
4. Chọn mua bánh ăn dặm có hương vị mà bé yêu thích
Hiện nay, bánh ăn dặm được chế biến với nhiều hương vị khác nhau để đa dạng hóa sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
- Nếu trẻ thích ăn bánh vị mặn, mẹ có thể chọn mua bánh ăn dặm vị cá, tôm, rong biển…
- Nếu bé thích vị ngọt, mẹ có thể mua bánh ăn dặm vị rau củ, trái cây, trà xanh…