Các loại sâu hại phổ biến trên rau ngót
Rầy, rệp chích hút
Rầy, rệp là hai đối tượng gây hại thường gặp trên rau ngót, cũng như trên nhiều loại cây trồng khác. Các con rầy, rệp trưởng thành và các con non chủ yếu bám trên mặt lá, đọt cây, chích hút nhựa cây lá làm cho búp và lá rau ngót bị xoăn lại, lá nhạt màu hoặc chuyển vàng, héo rũ rồi rụng xuống. Chúng không chỉ gây hại trực tiếp cho rau ngót mà còn là “kẻ gây hại” gián tiếp vì chúng là vật trung gian truyền bệnh virus ở rau ngót. Rầy rệp có khả năng sinh sản nhanh, phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng và khô hạn.
Biện pháp:
+ Thường xuyên vệ sinh nơi trồng, xử lý các tàn dư từ vụ trước và phơi ải đất trước khi trồng rau ngót.
+ Tưới tiêu hợp lý, tránh để tình trạng khô đất dễ khiến rầy rệp phát triển, đồng thời bón đủ phân bón để cây có đủ dinh dưỡng phát triển khỏe mạnh.
+ Thêm vào đó, việc bảo vệ các loài thiên địch ăn rầy rệp như bọ cánh cứng, bọ rùa hay kiến ba khoang cũng có tác dụng đáng kể trong việc phòng trừ.
Nếu rau ngót bị rầy rệp phá hại trên diện rộng, cần dùng thuốc trừ sâu, có thể tham khảo sử dụng Sherpa 20EC, Cyperan 25EC, Regent 800WG, hay để mang lại sự an toàn tốt nhất, nên sử dụng các sản phẩm trừ rầy rệp sinh học.
Rau ngót bị nhện đỏ gây hại
Trong quá trình trồng rau ngót, nhện đỏ cũng gây hại nghiêm trọng tới năng suất và chất lượng rau. Nhện đỏ trường thành và các con non bám vào mặt dưới của lá, chích hút nhựa cây làm cho rau ngót bị xoăn lá, nếu bị nặng sẽ làm cho lá bị vàng và rụng sớm. Sau khi chích hút, nhện đỏ sẽ tạo ra những đốm lá trắng vàng có thể dễ nhận biết ở mặt trên của lá.
Nhện đỏ sống và gây hại ở mặt dưới lá rau ngót, chúng cũng đẻ trứng tại mặt dưới lá rau. Giai đoạn trứng đến con trưởng thành kéo dài khoảng 15 ngày. Nhện đỏ phát triển mạnh khi thời tiết khô hạn, hoặc rau ngót được bón nhiều phân đạm.
Để phòng ngừa nhện đỏ gây hại, cần vệ sinh nơi trồng thường xuyên, bón phân hợp lý, cân đối, tránh lạm dụng phân đạm để bón cho rau ngót. Nếu rau ngót bị nhện đỏ phá hại nặng nề, có thể sử dụng các thuốc đặc trị trừ nhện đỏ như Comite, Nissorun, Rufast, Supracide, tuy nhiên, cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn, đảm bảo các quy định về an toàn, đồng thời không được lạm dụng thuốc vì dùng thuốc hóa học nhiều dễ gây bộc phát nhện đỏ, do tiêu diệt thiên địch của nhện đỏ và chúng có khả năng quen và kháng thuốc cao.
Các bệnh hại phổ biến ở rau ngót
Bệnh xoăn lá do virus ở rau ngót
Rau ngót bị xoăn lá là tình trạng rất phổ biến ở rau ngót, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất cũng như chất lượng rau, và nguyên nhân hàng đầu gây ra thiệt hại này là do virus gây bệnh xoăn lá. Côn trùng môi giới lây lan virus cho rau ngót gồm có rầy rệp, bọ trĩ hay bọ phấn. Các lá bị nhiễm bệnh bị xoăn lại, teo tóp, cây sinh trưởng kém, nếu bị nặng, cây rau ngót sẽ bị suy nhược rồi chết dần.
Rau ngót bị bệnh xoăn lá do virus. Ảnh minh họa
Bệnh xoăn lá do virus hiện chưa có thuốc đặc trị riêng nào để tiêu diệt virus. Chính vì vậy, trong quá trình trồng và chăm sóc rau ngót, cần vệ sinh ruộng vườn trước khi trồng, xử lý các tàn dư vụ trước, phơi ải đất, tưới tiêu và bón phân đầy đủ hợp lý để tăng cường khả năng đề kháng cho rau ngót. Đồng thời, cần diệt trừ các loại trung gian truyền bệnh như rầy rệp, bọ trĩ, bọ phấn, và nhổ bỏ các cây bị bệnh để tránh lây lan.
Bệnh phấn trắng
Bệnh phấn trắng cũng là một bệnh hại thường gặp trên rau ngót, cũng như nhiều loại cây trồng khác như các cây nhà họ Bầu bí, hoa hồng, hay chanh dây. Bệnh phấn trắng do nấm Erysiphe cichoarcearum gây ra, chúng bám trên hai mặt lá, tạo vòi đâm sâu vào tế bào hút hết chất dinh dưỡng. Bệnh phát triển và gây hại nghiêm trọng trong điều kiện thời tiết khô hanh, độ ẩm cao.
Khi bị bệnh phấn trắng, trên lá và thân rau ngót xuất hiện các đốm màu xanh hóa vàng, và dần dần toàn bộ phiến lá bị bao phủ bởi một lớp nấm trắng dày như bột phấn ở cả 2 mặt lá. Nếu bệnh gây hại nặng khiến rau ngót bị vàng lá, khô cháy và dễ rụng.
Để phòng ngừa bệnh phấn trắng gây hại, cần tiến hành vệ sinh ruộng vườn, nơi trồng quanh nhà thường xuyên, loại bỏ cây rau ngót bị bệnh để tránh lây lan, cải tạo đất trước khi trồng để tiêu diệt mầm bệnh, tưới tiêu và chăm bón phân hợp lý.
Nếu rau ngót bị bệnh phấn trắng gây hại nghiêm trọng, có thể sử dụng thuốc để diệt trừ nấm, tuy nhiên, khuyến khích sử dụng các sản phẩm sinh học uy tín để đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như bảo vệ môi trường.
Nguyễn Thị Giang – Trạm KN Chương Mỹ