Từ nhiều năm qua, ở Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) có truyền thống thờ và làm lễ giỗ một người tên là Hoàng Phi Yến.
Theo hồ sơ di sản được công bố trước đây về bà Phi Yến, bà tên thật là Lê Thị Răm, thứ phi chúa Nguyễn Ánh (sau là hoàng đế Gia Long), hiện thờ tại An Sơn Miếu. Năm 1783, chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, chạy ra Côn Đảo, bà Phi Yến cùng chạy theo. Vì ngăn Nguyễn Ánh cầu viện Pháp, bà bị chồng giam giữ trong hang đá trên hòn đảo hoang vắng, phía tây nam của đảo chính. Con trai bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh là hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải) khóc đòi mẹ, bị chúa ném xuống biển, xác trôi vào làng Cỏ Ống, được dân làng mang chôn và lập miếu thờ.
Cũng theo hồ sơ di sản, năm 1785, bà Phi Yến được dân làng rước về. Tại đây, bà bị người làng là Biện Thi xâm phạm danh tiết nên tự vẫn. Bà mất ngày 18/10 âm lịch, năm 1785. Để tỏ lòng thương tiếc, dân làng xây ngôi miếu để thờ bà. Sang thế kỷ XIX, năm 1861, Pháp chiếm Côn Đảo, lập nhà tù và di dời toàn bộ dân về đất liền nên ngôi miếu không được chăm sóc, dần hư hỏng, sụp đổ.
Đến năm 1958, Trưởng ty ngân khố tỉnh Côn Sơn là ông Nguyễn Kim Sáu đã xem lại sử lược, nhận thấy người phụ nữ trung trinh tiết liệt nên cho xây lại ngôi miếu nhỏ trên nền ngôi đền ngày xưa, thờ bà Phi Yến, đặt tên An Sơn Miếu. Để tưởng nhớ, ngày 17-18/10 âm lịch hàng năm, dân làng An Hải tổ chức lễ giỗ bà Phi Yến”.
Từ câu chuyện truyền thuyết này, và dựa theo tên của mẹ con bà Phi Yến là Răm và Cải, dân gian có câu ca dao:
“Gió đưa cây cải về trời Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”
Tuy nhiên, theo các nhà sử học, nhà nghiên cứu về triều Nguyễn, thì câu chuyện về bà Phi Yến này hoàn toàn không có thực. Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện không ghi chép ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm và có tên thụy Phi Yến. Gia phả hoàng tộc cũng không ghi chép tên hoàng tử Cải là con vua Gia Long. Kết quả khảo cứu sử sách triều Nguyễn cho thấy, chúa Nguyễn Ánh chưa từng đến Côn Đảo. Sự kiện chúa Nguyễn Ánh đến tá túc tại Côn Đảo chỉ là được nghe kể chép lại, và có một số nhầm lẫn trong quá trình chuyển đổi chữ Koh Kong sang Hán tự. Đó là tên của hòn đảo Cổ Long nằm ở phía biển Campuchia gần vùng Hà Tiên – Phú Quốc mà chúa Nguyễn Ánh đã ra chạy nạn, chứ không phải là ở đảo Côn Lôn (Côn Đảo).
Thêm vào đó, thuyền của Nguyễn Ánh không thể nào to lớn, đủ sức chạy ra Côn Đảo mà tránh khỏi thuyền Tây Sơn đang ruồng bố khắp biển Đông,
Theo báo VnExpress, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh Lợi nhận định truyền thuyết bà Phi Yến khởi nguồn từ tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana ở miền Trung, vào đến Nam Bộ đã tích hợp với tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ, biến thành tục thờ ba cậu, một hóa thân khác của Thiên Y Ana. Về sau, truyền thuyết được dã sử hóa qua hình tượng bà Phi Yến, gắn kết với hành trình của chúa Nguyễn Ánh những ngày bôn tẩu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, truyền thuyết về bà Phi Yến ở Côn Đảo bắt nguồn từ một vở cải lương trong dân gian và được người dân thờ phụng. Bản thân câu chuyện này không có thật. Điều này đã được các sử gia chứng minh, làm rõ từ lâu.
Mặc dù vậy, vào đầu năm 2022, lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trước đó, vào ngày 25/10/2021, sở VHTTDL tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có tờ trình số 197 gửi Cục Di sản văn hóa về việc đề nghị công nhận Lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 21/01/2022, Cục Di sản văn hóa đã tổ chức xin ý kiến Hội đồng thẩm định di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở đề nghị Bộ trưởng đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến ngày 26/1/2022, Cục Di sản văn hóa đã trình Bộ trưởng xem xét, quyết định đưa di sản này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (QĐ số 773/QĐ BVHTTDL).
Để phản đối việc này, vào ngày 26/4/2022, Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam (còn gọi là Hội đồng Nguyễn Phúc tộc, con cháu các vua triều Nguyễn) gửi văn bản đến Thủ tướng, đề nghị thu hồi quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến.
Sau khi tổ chức tọa đàm khoa học, Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam khẳng định “thứ phi Hoàng Phi Yến chỉ là nhân vật hư cấu”. Triều đại nhà Nguyễn để lại những văn bản ghi chép rõ ràng, đảm bảo cho lai lịch, hành trạng, công nghiệp của các vị hoàng đế.
Ghi nhận kiến nghị này của Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam, vào cuối tháng 5 năm 2022, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo xử lý kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam về việc công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với lễ giỗ bà Phi Yến.
Thực hiện chỉ đạo của phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chủ trì, phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia tổ chức Đoàn công tác làm việc với Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 16/6/ 2022, Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể làm việc.
Từ kết quả làm việc, nghiên cứu hồ sơ, tư liệu liên quan, đến ngày 20/6/2022, Bộ VHTTDL đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đổi tên di sản quốc gia lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến để tránh hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ VHTTDL giải thích việc đổi tên nhằm “đảm bảo nguyên tắc tôn trọng cộng đồng chủ thể của di sản, tránh gây hiểu nhầm về lịch sử, hoặc gây xung đột giữa các cộng đồng trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”.
Bộ VHTTDL cũng cho rằng việc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất gọi tên di sản là lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, cùng một số chi tiết trong hồ sơ đề cập tới truyền thuyết của bà “có thể gây hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử”.
Như vậy, sau thời gian dài bị xuyên tạc, bôi nhọ, cuối cùng hoàng đế Gia Long cũng đã được giải oan vì một truyền thuyết không có thật đã tồn tại rất lâu trong dân gian.
chuyenxua.net biên soạn