Chị Y đang hái rau dớn tại vườn nhà. Ảnh: N.Q
Chị Y kể, đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, chị không có việc làm, thu nhập giảm đáng kể. Mỗi ngày chị cùng với các thành viên trong gia đình chèo ghe men theo hồ Thủy điện Sông Tranh 3 (Bắc Trà My) để vào rừng hái rau dớn, rau ranh về bán kiếm thêm thu nhập.
Nhận thấy 2 loại rau này dễ tiêu thụ, trong khi đó ở địa phương chưa có ai trồng rau dớn. Từ đó, chị nẩy sinh ý tưởng và bàn với chồng đào rau dớn về trồng thử nghiệm trên 2 sào đất vườn nhà.
Mỗi ký rau dớn có giá bán dao động 20 ngàn đồng. Ảnh: N.Q.
Để có cây giống, hàng ngày chị cùng chồng vào rừng tìm kiếm và đào được khoảng 4 – 5 bao rau (loại 25kg). Có rau trong tay, chị thử trồng ngay, cứ 2 – 3 ngày, lại tiếp tục hành trình vào rừng tìm rau để nhân rộng. Cạnh đó, gia đình chị còn đầu tư 60 triệu đồng mua lưới, trụ bê tông làm giàn che mát cho vườn rau mới trồng.
“Tôi làm đất tơi xốp, lên luống thoát nước rất cẩn thận, mỗi cây rau trồng cách nhau khoảng 20cm. Thường xuyên làm cỏ, tưới nước giữ ẩm, che mát, bón phân hữu cơ để cây rau nhanh bén rễ và nhảy cây con. Khoảng 2 tháng là bắt đầu có thể hái đọt rau non để bán cho thương lái” – chị Y chia sẻ.
Từ 2 sào rau ban đầu, đến nay gia đình chị Y đã mở rộng diện tích đất trồng rau lên hơn 4 sào. Mỗi ngày chị hái khoảng 10kg đọt rau non để cân bán cho thương lái ở Tiên Phước, Đà Nẵng, Tam Kỳ… Mỗi ký rau được bán với giá dao động 20 ngàn đồng. Doanh thu đem lại cho gia đình chị hơn 50 triệu đồng mỗi năm.
Cũng theo chị Y, cây rau dớn dễ trồng hơn so với rau ranh và nhanh phát triển. Mỗi tháng chị đều bón phân hữu cơ cho rau, khi cây rau bắt đầu đẻ nhánh thì tỉa bớt, để nhanh ra đọt non. Mùa mưa trổ canh trổ nước để vườn rau không bị ngập úng, che lưới nhằm hạn chế mưa sương muối làm hư hại.
Đọt rau dớn ra dài khoảng 15cm là có thể thu hoạch. Ảnh: N.Q
“Tôi trồng rau theo phương pháp hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật, bón bằng phân hữu cơ. Rau dớn ra dài khoảng 10 – 15cm thì ngắt bớt, để đọt khác mọc ra, cứ thế thu hoạch quanh năm, nhiều người rất ưa chuộng. Cũng nhờ vườn rau này mà gia đình tôi có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày” – chị Y bộc bạch.
Rau dớn là loài dương xỉ có thân rễ nghiêng, hướng lên cao tới 15cm, thường bao phủ nhiều vẩy ngắn hình mũi mác hẹp, mỏng, có khía răng cưa ở mép, màu hung.
Rau dớn thường mọc nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao, nó cũng thường mọc nhiều ở bờ suối, bờ khe, những nơi ẩm ướt và tránh ánh nắng mặt trời, dớn mọc hoang dại dọc khe suối, bên những tảng đá.
Người dân địa phương cho hay đọt rau dớn dễ chế biến nhiều món ăn ngon như xào, luộc, trộn, nấu canh… trước đây còn được ví như cây chống đói của người dân vùng cao.
Hiện rau dớn đã trở thành món đặc sản nơi phố thị, thậm chí có mặt trong những nhà hàng sang trọng, là thứ rau sạch mà nhiều nhà hàng luôn đưa vào thực đơn. Nhiều người hái rau dớn cung cấp cho các nhà hàng đặc sản ở đô thị. Thị trường đang tiêu thụ mạnh, nguồn cung không kịp cầu.
Chị Trần Thị Thảo – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) cho biết, ở địa phương chị Y tích cực tham gia các hoạt động xã hội của hội. Mô hình trồng rau dớn của chị Y là mô hình đầu tiên ở địa phương. Mỗi ngày chị Y có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng từ tiền bán rau, nguồn thu nhập tương đối ổn định.
“Vừa qua hội có mời hội phụ nữ huyện về tham quan, học hỏi mô hình rau sạch này. Thời gian tới, hội sẽ hướng cho hội viên làm thêm nhiều mô hình mới để đảm bảo lâu dài, có nguồn hàng cung ứng kịp thời, thường xuyên ra thị trường” – chị Thảo nói.
[VIDEO] – Mô hình trồng rau dớn của chị Y ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.