Tập cho trẻ ăn đúng giờ, đủ bữa, cho trẻ ăn kết hợp nhiều nhóm chất có lợi… là một số biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ mà phụ huynh cần biết.
Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em là vấn đề thiếu hụt chất dinh dưỡng thiết yếu trong cơ thể, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển, khả năng vận động, tăng trưởng bình thường của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần có một số biện pháp phòng chống bệnh suy dinh dưỡng, biếng ăn cho con em mình để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện nhất.
Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng trẻ em
Nguyên nhân gây ra bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ là do chế độ dinh dưỡng của trẻ không có đủ về số lượng và chất lượng, trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, không được ăn các thực phẩm bổ sung hợp lý (có thể ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, thức ăn bổ sung có sự nghèo nàn về dinh dưỡng). Hay trẻ bị mắc các bệnh nhiễm trùng đường ruột, tiêu chảy cấp làm giảm sự hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ.
Nguyên nhân gián tiếp là do điều kiện kinh tế gia đình nghèo nàn, môi trường ô nhiễm, dịch vụ chăm sóc y tế lạc hậu, thiên tai xảy ra thường xuyên… hay do cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con, cai sữa sớm cho bé, hoặc trẻ bị đẻ non.
Một số biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
Để phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ cho trẻ mầm non, phụ huynh cần nắm chắc kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, tìm hiểu được nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng, rồi từ đó tự rút ra cách để phòng chống suy dinh dưỡng cho con của mình.
Thứ nhất, cha mẹ nên cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm, kiên trì từng chút một, tập luyện cho trẻ thói quen ăn uống khoa học ngay từ nhỏ như ngồi vào bàn ăn, ăn uống đúng bữa, áp dụng nguyên tắc 3 không là không điện thoại, không đồ chơi, không ăn rong.
Thứ hai, cha mẹ cần áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng với đủ 4 nhóm chất thiết yếu gồm: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, khéo léo trang trí món ăn bắt mắt để con hứng thú hơn với bữa ăn.
Thứ ba, cho con ăn cùng gia đình sẽ giúp con vui vẻ, học được cách ăn uống lịch sự của bố mẹ như mời ông bà, cha mẹ ăn cơm, chủ động xúc ăn… Không khí đầm ấm của gia đình sẽ giúp bé vui vẻ, hào hứng khi ăn. Từ đó, trẻ sẽ cảm nhận tốt mùi vị thức ăn hơn, ăn ngon miệng và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Thứ tư, theo bác sĩ nên bổ sung cho con đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là các chất sắt, kẽm, lysine và vitamin B từ những loại thực phẩm hàng ngày như hải sản, trứng, sữa, thịt bò… để tăng cường khả năng cảm nhận thức ăn, kích thích vị giác, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Bên cạnh đó, đối với trẻ có dấu hiệu kén ăn, bỏ bữa, chậm tăng cân, phụ huynh nên sử dụng cho con sữa cao năng lượng để bù đắp dinh dưỡng thiếu hụt cho con. Bởi sữa cao năng lượng được bổ sung thêm hàm lượng chất đạm, chất béo, chất bột đường cao hơn hẳn so với các loại sữa thông thường khác nên phù hợp với trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng.
Bảo Hân