Trứng vịt lộn được xếp vào hàng những món ăn kinh dị nhất thế giới nhưng với nhiều người, đây là món ăn rất thơm ngon hấp dẫn. Đặc biệt là món trứng vịt lộn hầm ngải cứu rất bổ dưỡng và được nhiều người yêu thích. Trong bài viết này, hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về công dụng và một số cách nấu trứng vịt lộn hầm ngải cứu không tanh, không đắng nhé!
Trứng vịt lộn hầm ngải cứu có tác dụng gì?
Từ xa xưa đến nay, trứng vịt lộn (hay hột vịt lộn) dường như không phải là món ăn được nhiều người ưa chuộng, bởi vẻ ngoài gây sợ hãi và mùi vị lạ. Tuy nhiên, đây lại là một món ăn rất bổ dưỡng. Theo Đông y, trứng vịt lộn chứa nhiều thành phần tinh dầu như cineol, athyon có công dụng điều hoà khí huyết, giảm đau đầu, đau nửa đầu mãn tính và tăng cường sức khỏe. Bên cạnh đó, trong trứng vịt lộn còn chứa nhiều dưỡng chất như canxi, protein, lipid, vitamin nhóm A, B và C,…
Kết hợp với ngải cứu có nhiều tác dụng như kháng khuẩn, cầm máu, an thần, lợi mật,… Món ăn này thường được dùng để bồi bổ sức khỏe, chữa trị chứng kinh nguyệt không đều, đau đầu kinh niên,… Đặc biệt với người gầy khó tăng cân, bạn nên thêm món trứng vịt lộn hầm ngải cứu vào thực đơn, để nhanh chóng đạt được cân nặng mục tiêu.
2 cách làm trứng vịt lộn hầm ngải cứu bổ dưỡng, đơn giản tại nhà
Là một món ăn bổ dưỡng nhưng nếu chế biến không đúng cách, trứng vịt lộn hầm ngải cứu có vị tanh, rất khó ăn. Sau đây là gợi ý 2 cách nấu món trứng vịt lộn hầm ngải cứu bổ dưỡng, thơm ngon hấp dẫn:
Cách nấu trứng vịt lộn hầm ngải cứu đơn giản tại nhà
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 5 trứng vịt lộn;
- 250 g rau ngải cứu;
- 1 muỗng canh hành tím băm nhuyễn;
- 1/2 muỗng canh gừng băm nhuyễn.
Cách thực hiện:
Bước 1: Cho trứng vịt lộn vào nồi, đổ nước ngập mặt trứng và luộc trong khoảng 20 – 25 phút để trứng chín vừa phải, bóc bỏ vỏ.
Bước 2: Bắc nồi lên bếp, cho một ít dầu và bắt đầu phi thơm hành, tỏi, gừng băm nhuyễn. Sau đó cho ngải cứu vào xào cho đến khi mềm.
Bước 3: Cho trứng vịt lộn và khoảng 250 ml nước lọc vào nồi rau ngải cứu, đậy nắp và bắt đầu hầm. Khi nồi trứng hầm đã sôi, bạn cho thêm 1 muỗng hạt nêm và nêm nếm lại sao cho phù hợp với khẩu vị của gia mình.
Lưu ý để nấu được món trứng vịt lộn hầm ngải cứu, bạn phải biết cách lựa chọn được nguyên liệu ngon. Dưới đây là một số mẹo để chọn ngải cứu và trứng vịt lộn mà bạn có thể tham khảo:
Đối với trứng vịt lộn, nên chọn những quả có một lớp cám mỏng bên ngoài, cầm nặng tay. Không nên chọn những quả quá nhẹ, nổi mốc hoặc khi lắc thì thấy tiếng động vì đó có thể là những quả bị hỏng, ăn không ngon.
Đối với ngải cứu, bạn nên chọn những lá có mặt bên dưới màu xanh thẫm và mặt còn lại nhạt màu hơn. Không nên chọn những lá có màu xanh đậm và lá lớn, mướt mát vì khả năng cao chúng bị phun thuốc tăng trưởng. Ngược lại, cũng không chọn những lá úa, héo, bị sâu ăn lá,…
Cách làm trứng vịt lộn hầm thuốc bắc ngải cứu
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 6 quả trứng vịt lộn;
- 200 g rau ngải cứu;
- 1/2 củ gừng;
- 2 gói thuốc bắc;
- Một nắm rau răm;
- Gia vị các loại.
Cách thực hiện:
Bước 1: Trứng vịt lộn luộc chín, để nguội rồi bóc vỏ;
Bước 2: Ngải cứu thì bạn rửa sạch, để ráo. Gừng rửa sạch, thái mỏng. Hành tím cũng rửa sạch và băm nhuyễn;
Bước 3: Cho nồi lên bếp, thêm một ít dầu để phi thơm hành tím. Sau đó cho 2 gói thuốc bắc và nước vừa đủ vào để khuấy đều, đun sôi;
Bước 4: Đến khi hỗn hợp nước thuốc bắc sôi thì cho trứng vịt lộn đã sơ chế vào, đậy nắp và hầm tiếp trong vòng 15 – 20 phút. Sau đó, tắt bếp và thưởng thức.
Lưu ý khi ăn trứng vịt lộn chưng với ngải cứu
Hột vịt lộn hầm với ngải cứu là một món ăn đơn giản, chỉ mất khoảng 15 – 20 phút chuẩn bị nhưng lại rất bổ dưỡng, Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
Không nên ăn vào buổi tối
Đối với trứng vịt lộn và các món làm từ trứng vịt lộn, bạn không nên ăn vào buổi tối để hạn chế tình trạng khó tiêu, đầy hơi.
Trẻ em dưới 5 tuổi
Theo dân gian hột vịt lộn có tính hàn và đồng thời hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện của trẻ nhỏ cũng sẽ gặp nhiều vấn đề khi ăn trứng vịt lộn. Chính vì thế dù bổ dưỡng nhưng món trứng vịt lộn hầm ngải cứu không phải là một lựa chọn thực đơn phù hợp cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Phụ nữ mang thai
Trứng vịt lộn có chứa nhiều dưỡng chất, tuy nhiên phụ nữ mang thai cũng chỉ nên ăn 2 quả/tuần.
Nên ăn trứng vịt lộn với rau răm
Nếu trứng vịt lộn có tính hàn thì rau răm có công dụng làm ấm bụng, sát trùng và chống đầy hơi. Khi ăn cùng với trứng vịt lộn sẽ giúp tăng cường lưu thông khí huyết, đồng thời hạn chế tình trạng gây đầy bụng, ợ hơi, khó tiêu.
Không nên uống trà khi ăn trứng vịt lộn
Một số quan niệm dân gian cho rằng uống trà sẽ giúp làm khử mùi tanh của trứng vịt lộn. Tuy nhiên, chính thành phần tanin trong trà sẽ cản trở quá trình tiêu hoá, gây khó tiêu khi ăn trứng vịt lộn.
Vậy là bài viết trên đây nhà thuốc Long Châu đã giới thiệu đến bạn thông tin dinh dưỡng của món trứng vịt lộn hầm ngải cứu và cách để thực hiện món ăn này đơn giản tại nhà. Hy vọng đây sẽ là những kiến thức bổ ích để bạn chuẩn bị cho gia đình mình những bữa ăn ngon miệng, đầy đủ chất nhé!
Quỳnh Vi
Nguồn tham khảo: Tổng hợp