Vượt thăng trầm để sản xuất rau an toàn
HTX Thanh Hà (Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội) được thành lập năm 2012 với định hướng chuyên trồng rau ứng dụng công nghệ cao.
Hai dòng sản phẩm chính là rau mầm và rau baby. Rau mầm được trồng từ các loại hạt: Cải, muống, hành tây, đỗ xanh, đỗ đỏ…, sau 4 – 10 ngày trồng sẽ thu hoạch. Còn rau baby là các loại rau ăn lá phát triển đạt khoảng 40 – 50% khả năng sinh trưởng của rau thông thường. Các loại rau được thu hoạch sớm nên nhiều dinh dưỡng, gần như không có xơ, bã, chỉ cần rửa sạch là chế biến ngay được món ăn.
Điều đặc biệt là HTX có rất nhiều sản phẩm tham gia vào đánh giá, xếp hạng OCOP. Sau khi được xếp hạng OCOP, các sản phẩm này đã dần được đông đảo người tiêu dùng biết tới, tìm mua.
Lúc đầu, do nhu cầu thị trường chưa cao, các thành viên HTX chưa quen với phương thức sản xuất mới nên HTX chỉ trồng trên diện tích nhỏ, vừa để bán cho người dân trong khu vực, vừa để chào hàng.
Ít lâu sau, người tiêu dùng nhận thấy chất lượng và giá trị dinh dưỡng cao của rau mầm nên đã sử dụng loại rau này thường xuyên hơn trong bữa ăn. HTX tăng dần diện tích, sản lượng tiêu thụ cũng ngày một tăng lên.
Chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc HTX Thanh Hà nhớ lại: “Hồi đầu, sản phẩm rau mầm còn mới, chúng
tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như chưa có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) nên khi mang đi chào hàng ở các siêu thị không nơi nào nhận. Gia đình phải mang rau mầm đi khắp các chợ từ ngoại thành Hà Nội đến trung tâm thành phố…, nhưng cũng không bán được. Tôi phải lặn lội mày mò đi hỏi khắp các cơ quan chức năng để xin được cấp chứng nhận ATTP. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có quy định về rau mầm nên chưa thể có chứng nhận ATTP cho sản phẩm này”.
Đến cuối năm 2012, rau mầm mới chính thức được cấp chứng nhận ATTP. Gia đình chị Hà tiếp tục đến chào hàng tại các siêu thị, đồng thời đẩy mạnh kênh tiêu thụ tại các chợ truyền thống để quảng bá sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn.
Từ năm 2013, rau mầm có cửa vào siêu thị, số lượng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm tăng mạnh. Thị trường phát triển tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX khởi sắc hẳn lên.
Thế nhưng, đến năm 2015, thị trường rau mầm “bùng nổ”, sản phẩm rau mầm “phổ cập đại chúng”, các cơ sở sản xuất rau mầm mọc lên như nấm sau mưa, dẫn tới cuộc cạnh tranh về giá vô cùng khắc nghiệt.
“Lúc đó, tôi xác định rõ người tiêu dùng rau mầm là những người kén ăn, có điều kiện kinh tế và có hiểu biết về giá trị dinh dưỡng, không chạy theo sản phẩm giá rẻ mà ưu tiên cao cho việc sử dụng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn ATTP, tốt cho sức khoẻ. Vì thế, tôi quyết tâm giữ vững thương hiệu rau mầm bằng cách giữ nguyên giá bán nhưng cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn, nhanh chóng giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng và phát triển thêm website điện tử giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức về rau mầm”, chị Hà kể.
“Đặc biệt, sau 2 năm trăn trở nghiên cứu, tìm mọi cách nhân giống, HTX đã sản xuất được rau càng cua, đến năm 2021 được cấp chứng nhận ATTP”, chị Hà phấn khởi chia sẻ thêm về loại rau mà không nhiều HTX có thể cung cấp ra thị trường thời điểm này.
“Mặc dù mất rất nhiều thời gian, công sức tìm hiểu cách chăm sóc, nhân giống rau càng cua, nhưng nhận thấy tiềm năng, hiệu quả đặc biệt từ loại cây dược liệu này cho sức khoẻ người dùng, nên tôi quyết tâm theo đuổi đến cùng, và rồi đã hoàn thiện được sản phẩm”, chị Hà kể thêm.
Không chỉ kinh doanh lấy lợi nhuận
Trong cơn “bão giá” vật tư nguyên liệu đầu vào, HTX Thanh Hà đã siết chặt mọi chi phí sản xuất, đặc biệt là tái sử dụng tối đa các phế phụ phẩm nông nghiệp như sử dụng giá thể than bùn sau khi thu hoạch rau mầm hoặc rau hỏng, héo… để ủ thành phân hữu cơ, bón cho rau baby, tránh không sử dụng phân bón hoá học làm bạc màu đất. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả rõ rệt, vừa giảm chi phí đầu vào lại tăng hiệu quả sản xuất.
30 sản phẩm rau đạt OCOP 4 sao đã góp phần giúp HTX đạt tổng doanh thu trung bình khoảng 4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 12 lao động địa phương với mức lương từ 6 đến 13 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ dự định phát triển thời gian tới, chị Hà cho biết: “Trong tương lai, HTX sẽ phát triển mở rộng quy mô diện tích sản xuất, đồng thời đầu tư thêm khâu sơ chế, chế biến, bảo quản nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Sản phẩm chế biến sẽ tiện sử dụng hơn”.
Không chỉ tìm cách giải các bài toán kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận, chị Hà còn đau đáu dự định mang tính xã hội, đó là mở farm (trang trại) trồng rau kết hợp du lịch trải nghiệm rộng 19,5ha, hướng tới đối tượng chính là trẻ em.
Trẻ sẽ được trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất thực tế chứ không phải qua mô hình như một số nơi khác. Cụ thể, trẻ được trực tiếp trồng cây, được biết đất trồng cây cần bón phân, tưới nước như thế nào, cây nẩy mầm phát triển trong bao lâu và được sơ chế đóng gói ra sao…
“Thế hệ trẻ hiện nay học lý thuyết quá nhiều nhưng lại thiếu trải nghiệm thực tiễn. Hi vọng với mô hình trồng rau kết hợp du lịch trải nghiệm của chúng tôi, thế hệ trẻ sẽ hiểu rõ hơn sự phát triển của tự nhiên, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”, chị Hà bày tỏ.
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội