Hen suyễn là một bệnh lý mạn tính của phổi, gây ra do sự phản ứng quá mức của đường hô hấp với một tác nhân nào đó làm cho đường thở bị viêm và co thắt khiến người bệnh khó thở. Bệnh hen suyễn nếu không được kiểm soát tốt hoặc ở mức độ nặng có thể gây khó khăn khi nói chuyện hoặc các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn hen phế quản, tuy nhiên nếu dùng thuốc đúng cách có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bệnh hen suyễn gây ra cơn hen phế quản cấp tính với các biểu hiện như:
- Tiền triệu: Khi mới tiếp xúc với các chất gây kích ứng đường thở người bệnh có thể có những biểu hiện như hắt hơi, ho, ngứa họng, sổ mũi.
- Khi cơn hen suyễn xuất hiện người bệnh sẽ có biểu hiện điển hình như: Khó thở, thở khò khè nặng, ho không ngừng, đau tức ngực, co kéo cơ hô hấp phụ, khó nói chuyện, có cảm giác lo lắng, hoảng sợ, mồ hôi nhiều, tím tái. Cơn hen phế quản có thể kết thúc bằng việc ho ra đờm nhiều, trong một số trường hợp có thể nhanh chóng diễn biến nặng gây suy hô hấp.
Các tác nhân có thể gây hen suyễn: Hen là tình trạng mà đường hô hấp phản ứng quá mức với các tác nhân có thể vô hại với đa số mọi người mà gây ra bệnh. Mỗi người có thể tác nhân gây ra bệnh không giống nhau. Tác nhân gây hen suyễn có thể kể đến như:
- Các chất có thể gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, lông thú cưng, mạt nhà, khói, bụi.
- Các chất có thể gây kích ứng như nước hoa, dung dịch vệ sinh.
- Tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
- Tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Không khí lạnh đột ngột hoặc thay đổi thời tiết, độ ẩm không khí thay đổi đột ngột.
- Mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Các cảm xúc mạnh như buồn, lo lắng, căng thẳng…
- Nhiễm trùng đường hô hấp như viêm xoang, cảm lạnh, cúm.
- Chất bảo quản thực phẩm được tìm thấy trong thực phẩm như tôm, dưa chua, bia và rượu, một số loại trái cây khô và nước chanh, chanh đóng chai…
- Một số loại thuốc cũng có thể gây ra cơn hen phế quản.
Một số người có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn nếu như gặp phải các yếu tố nguy cơ sau:
- Di truyền: Nếu cha mẹ hoặc anh chị em ruột mắc bệnh hen suyễn, thì bạn có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn so với người khác.
- Tiền sử nhiễm virus: Những người có tiền sử nhiễm virus nghiêm trọng trong thời kỳ thơ ấu như RSV có thể có nhiều khả năng mắc bệnh trong tương lai.
- Trẻ nam có nhiều khả năng bị hen phế quản hơn trẻ nữ. Ở thanh thiếu niên và người lớn, bệnh này lại phổ biến hơn ở nữ giới.