Du lịch Hà Nam đem quà đặc sản gì về tặng gia đình và người thân? Bạn hãy cùng chúng mình tìm hiểu 10 món quà đặc sản Hà Nam đảm bảo ai cũng thích nhé.
Hà Nam nằm ở Tây Nam châu thổ sông Hồng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội. Ở đâu cũng vậy, người dân địa phương đều có những đặc sản quê nhà để tiếp đón du khách và có những món quà quê thể hiện ân tình xứ Hà Nam gửi đến muôn phương. Bạn hãy cùng chúng mình điểm qua 10 món ăn đặc sản Hà Nam nhất định phải thử khi đến vùng đất chiêm trũng này nhé!
1. Cá kho niêu Vũ Đại
Cá kho niêu Vũ Đại
Làng Vũ Đại ngày ấy – một tác phẩm quen thuộc của Nam Cao với hai nhân vật Chí Phèo và Thị Nở đã đi cùng năm tháng với văn học Việt Nam. Và ngày nay, làng Vũ Đại hay làng Nhân Hậu hôm nay vẫn để lại cho những tín đồ ẩm thực món cá kho niêu đất mà ăn xong không ai quên được.
Món cá kho làng Vũ Đại được chế biến công phu từ cá trắm đen, cá bống, cá chạch và cá diếc tươi xanh, thời gian chế biến lên đến 16 – 20 tiếng cùng hơn 10 loại gia vị khác nhau và chỉ nấu bằng củi là thân cây nhãn hoặc ổi. Thịt cá săn lại, thấm đẫm gia vị, xương mềm rục có thể nhai nát, mùi thơm nức, không hề bị tanh. Vì vậy, vị cá ở đây không giống bất kỳ cá kho các loại khác, rất đặc trưng và nổi tiếng.
- Cá trắm kho: Khoảng 400.000 – 500.000 đồng/1 kg
- Cá bống hay cá chạch kho: Khoảng 500.000 – 600.000 đồng/ 1 kg
- Cá diếc kho: Khoảng 350.000 – 400.000 đồng/1 kg
2. Mắm cáy Bình Lục
Con cáy (cua đỏ nhỏ) làm mắm
Xứ Bình Lục có nghề làm mắm cáy truyền thống và phát triển rất mạnh. Để chế biến được 1 hũ mắm rất công phu, bắt đầu từ khi lột yếm, bóc trắng, giã những con cáy (cua càng đỏ) nhỏ cho thật nhuyễn, trộn muối rồi bịt chặt ủ kín trong vại. Sau đó đem phơi nắng một ngày rồi đem chôn dưới đất, để lâu đến khi mắm cáy phải thật nhừ rồi mới đem dùng.
Mắm ngon sẽ có màu sắc rất bắt mắt và hội đủ mùi vị, từ vị mặn của muối, vị béo, bùi của giềng, vị ấm nóng của gừng… Món mắm cáy ăn với ngọn rau lang luộc, dưa muối, cà muối,.. cùng vài nhánh tỏi đập dập rất đậm đà và đưa cơm.
3. Rượu làng Vọc
Rượu làng Vọc
Làng Vọc thuộc xã Vũ Bản, Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam với bao đời cha truyền con nối nổi tiếng với nghề làm rượu. Rượu nơi đây chính là loại rượu dùng để tiến vua nhờ vào công thức nấu bằng gạo ủ men ta – thứ men gồm 36 vị thuốc Bắc.
Gạo nấu rượu là từ gạo nếp cái hoa vàng hoặc gạo nếp cẩm vẫn còn giữ nguyên vỏ cám, mới thu hoạch được 3 – 5 tháng. Tuy nhiên, yếu tố quyết định làm nên hương vị đặc trưng của rượu làng Vọc chính là nước ở làng vọc rất ngọt và mát lịm. Khi thưởng thức, chỉ cần một cái nhấp môi nhẹ thôi là bạn đã cảm nhận được độ ngon, tính tế và thơm lừng mùi nếp, lưu giữ ấn tượng khó phai.
4. Quýt Lý Nhân
Quýt Lý Nhân
Lý Nhân là một huyện nằm ven sông Hồng và được thiên nhiên ưu đãi nên có đất đai màu mỡ, lý tưởng để trồng quýt – đặc sản để tiến vua ngày xưa. Quýt Lý Nhân có vỏ mỏng, giòn, quả dẹt và màu vàng ươm, chứa rất nhiều vitamin C. Thịt quýt có vị ngọt dịu, mùi thơm và nhiều nước. Dùng tay bóc vỏ thấy mùi thanh mát tỏa ra dễ chịu. Hàng năm cứ vào mùa Rươi (tháng 9 – 10 Âm lịch) cũng là mùa quýt chín, rất dễ mua và dễ tìm.
5. Chuối Ngự Đại Hoàng
Chuối Ngự Đại Hoàng
Nói đến đặc sản tiến vua, ngoài cá kho làng Vũ Đại, quýt Lý Nhân, nếu không kể đến chuối Ngự Đại Hoàng thì thật thiếu sót. Chuối ngự ở vùng này không giống như chuối ngự trâu quả to, ăn nhạt, chuối Ngự Đại Hoàng có đặc trưng là buồng chuối khá nhỏ nhưng rất đẹp, quả căng tròn, vàng óng, cuống xanh, đầu ruồi có 3 chiếc tua cong đẹp mắt. Khi ăn chuối có vị ngọt, hương thơm, càng ăn càng thấy ngon.
6. Bánh đa Kiện Khê
Chuối Ngự Đại Hoàng
Kiện Khê là một thị trấn thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, nổi tiếng với nghề làm bánh đa. Bánh đa Kiện Khê là loại bánh đa nướng khô tráng lạc, vừng, dừa hoặc gấc, nướng lên ăn giòn tan và bùi, mùi rất thơm. Khi ăn có hương vị riêng của chuối và cùi dừa rất ngon, bảo đảm sẽ rất thích hợp để bạn mua về làm quà đấy!
7. Bánh chưng làng Đầm
Bánh chưng làng Đầm
Tại Việt Nam, nơi nào cũng gói và bán những lúc Tết đến Xuân về. Tuy nhiên, tại làng Đầm, hay còn gọi là thôn Bích Trì, thuộc xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam có nghề gói bánh chưng từ lâu đời và trở thành món đặc sản nổi tiếng của khu vực.
Người dân gói bánh chưng từ gạo nếp phải lựa loại ngon, lá dong thì phải chọn loại bánh tẻ, vừa lứa và nước nấu phải là từ nước mưa qua gạn lọc để tạo vị ngọt và tinh khiết. Mỗi chiếc bánh được ra đời không chỉ gây ấn tượng với thực khách bởi vị ngon nồng đượm mà còn bởi kết cấu hình thức đẹp mắt, vuông vức đến lạ, rất đáng để du khách ăn thử và mua về làm quà.
8. Hồng Nhân Hậu
Hồng Nhân Hậu
Hồng Nhân Hậu là món đặc sản đến từ làng Vũ Đại. Loài cây này ra hoa vào tháng Giêng, cho quả vào tháng 8 âm lịch và thường chín vào dịp cận Tết. Hồng Nhân Hậu có hai loại là hồng mòng và hồng ngâm.
Đối với giống hồng mòng, những quả xanh được giấm bằng lò trấu, đèn dầu hoặc hương nhang để khử chát. Khi chín, quả hồng có màu đỏ đậm như màu cà chua. Giống hồng này không hạt quả to, vỏ mỏng mịn căng tròn và ăn có hương vị rất thơm không ngọt gắt do hợp thổ nhưỡng và khí hậu.
9. Rau sắng Ba Sao
Rau sắng Ba Sao
Rau sắng là loại rau quen thuộc mọc tự nhiên trên núi đá vôi, có màu xanh thẫm, bóng mỡ và rất giàu dưỡng chất, hương vị của rau thơm ngon không đâu sánh được.
Mùa rau sắng thường kéo dài từ tháng Giêng tới hết tháng Tư (âm lịch), mọc nhiều ở huyện Kim Bảng và Thanh Liêm. Người dân sẽ sử dụng phần hoa, quả, lá non và đọt thân rau sắng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như nấu thịt băm rau sắng, tôm nõn rau sắng, canh cá rau sắng,… Đặc biệt, chồi hoa của rau sắng dùng nấu canh và xào thịt bò rất ngon.
10. Bánh cuốn Phủ Lý
Bánh cuốn Phủ Lý
Phủ Lý là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Hà Nam nổi tiếng với món bánh cuốn. Bánh cuốn Phủ Lý ăn kèm với chả thịt nướng hình hoa cải được nướng thủ công trên bếp than hồng. Những miếng bánh cuốn chả thịt thơm ngậy ăn kèm với rau sống, hoa chuối thái rối và vài quả sung xanh chấm ngập trong nước chấm chua ngọt, rắc thêm chút hành khô phi thơm, hòa quyện với nhau tạo nên hương vị thơm ngon khó cưỡng.
Bánh cuốn nổi tiếng vì phải lựa chọn gạo tám xoan thuộc loại ngon để cho chất lượng bánh tốt nhất. Gạo được xay thành bột và đem ngâm trong nước khoảng 2 – 3 tiếng, sau đó được tráng mỏng sẽ cho ra bánh trắng phau trông rất bắt mắt. Khi bánh vừa đủ độ chín, người làm bánh rắc lên một ít hành khô và vài giọt mỡ lợn để bánh được ngậy hơn.
Trên đây là top 10 món ngon đặc sản ngon khó cưỡng của xứ Hà Nam, mang đậm nét quê không nơi nào có được mà chúng mình gửi đến bạn. Hy vọng các bạn khi ghé thăm du lịch nơi đây sẽ có được những kỉ niệm đáng nhớ nhất.
Mua ngay khẩu trang tại chúng mình để bảo vệ ức khỏe trong mùa dịch nhé
Đăng bởi: Mạnh Thành
Từ khoá: Mua 10 đặc sản Hà Nam này về làm quà đảm bảo ai cũng thích