LTS: Cô giáo Nguyễn Minh Hằng (Hà Nội), người từng có 33 năm đứng trên bục giảng cho rằng, hành vi cô giáo bắt trẻ uống nước vắt từ giẻ lau bảng tại Hải Phòng là rất đáng lên án, vi phạm đạo đức nghề giáo.
Từ sự việc trên, cô Hằng nêu 7 nguyên nhân dẫn đến chuyện giáo viên “bạo lực” học đường và giải pháp khắc phục.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết này.
Bạo lực học đường là hành vi xâm phạm làm tổn hại về thể xác, tinh thần đối với con người xảy ra trong môi trường giáo dục mà chủ thể của nó là giáo viên, học sinh…
Vụ việc cô giáo bắt trẻ uống nước vắt từ giẻ lau bảng có thể coi là một dạng bạo lực học đường mà đối tượng chủ động gây ra hành vi vi phạm chính là giáo viên.
Có thể lý giải vụ việc trên bằng 7 nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Do nhận thức của giáo viên có vấn đề
Bản thân người giáo viên trong quá trình dạy học không hiểu được tâm lý của trẻ, mặc dù trong quá trình đào tạo họ được trang bị những kiến thức sư phạm cơ bản nhất.
Cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau là con lãnh đạo
Nhưng, kiến thức chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, mỗi giáo viên trong quá trình làm nghề phải tự học hỏi, trang bị cho bản thân những kiến thức đúc rút từ kinh nghiệm thực tế để đáp ứng được yêu cầu dạy học, qua đó điều chỉnh hành vi ứng xử cho phù hợp với môi trường sư phạm.
Thứ 2: Do khâu tuyển chọn đào tạo giáo viên còn hạn chế
Thực tế, không phải giáo viên nào sau khi tốt nghiệp cũng đủ năng lực sư phạm để đứng trên bục giảng. Nhiều khi họ vào ngành sư phạm chỉ vì không phải đóng học phí chứ không vì yêu nghề, mến trẻ.
Mặt khác, việc đào tạo sư phạm hiện nay không mang tính chủ điểm như trước đây. Hiện nay rất nhiều trường được đào tạo sư phạm, thậm chí có trường không chuyên về sư phạm nhưng vẫn đào tạo giáo viên. Việc đào tạo theo kiểu “không chính quy” dẫn đến những hạn chế nhất định trong việc cải thiện, phát huy năng lực người học.
Bé Phương Anh cầm cái cốc ở nhà mô tả lại cái cốc tương tự em đã từng uống 1/2 nước giặt giẻ lau bảng ở lớp do cô giáo phạt. Ảnh: VOV.
Thứ 3: Do quan niệm giáo dục
Ngày xưa ông cha ta thường nói “yêu cho roi cho vọt”, cho nên một số giáo viên thường nghĩ rằng, mình là thầy, cô nên có quyền xử lý học sinh như vậy. Quan niệm này không phù hợp với công tác đổi mới giáo dục nói chung và cách thức giáo dục trong nhà trường nói riêng.
Thứ 4: Chủ thể trong giáo dục có sự thay đổi
Thời phong kiến, vị trí người thầy còn được xếp cao hơn cả cha mẹ. Nhưng hiện nay hai chủ thể này hoàn toàn bình đẳng trong xã hội.
Phụ huynh coi nghề giáo cũng như một nghề có tính dịch vụ, tức là phụ huynh trả tiền cho con họ đi học thì họ nghĩ rằng giáo viên phải thế này hoặc thế kia với con cái họ.
Thứ 5: Sự thay đổi trong nhận thức của học sinh
Hải Phòng họp khẩn vụ cô giáo bắt trẻ uống nước vắt từ giẻ lau bảng
Học sinh thời đại công nghiệp 4.0 không đơn thuần chỉ học kiến thức từ người thầy.
Học sinh có thể tìm hiểu kiến thức qua rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Nếu giáo viên không hiểu được điều này mà cứ áp đặt tư duy giáo dục “cổ điển” sẽ tạo ra nên mối quan hệ căng thẳng đối học trò.
Thứ 6: Thu nhập của giáo viên còn hạn chế
Người làm nghề đòi hỏi phải có sự tâm huyết. Nếu như chỉ vì đi làm để lấy tiền lương, tiền công thì khó mà làm tròn được trách nhiệm làm thầy lắm!
Mặt khác nếu thầy cô giáo không được tôn vinh, tôn trọng và trả thù lao xứng đáng thì rất khó để giáo viên cống hiến hết lòng, hết dạ cho giáo dục.
Trong khi đó họ khi phải chịu nhiều áp lực về công việc và cuộc sống. Điều này đã tác động không nhỏ tới tâm lý, ứng xử của giáo viên đối với học sinh.
Thứ 7: Xử lý chưa nghiêm
Đã từng có nhiều vụ việc mang tính bạo lực học đường mà chủ thể gây ra là giáo viên. Tuy nhiên, do việc xử lý chưa nghiêm hành vi vi phạm dẫn tới việc giáo viên tái diễn hành vi vi phạm đạo đức nghề giáo, vi phạm pháp luật.
Những nguyên nhân nói trên là căn cứ để đưa ra giải pháp trong việc giải quyết bạo lực học đường mà chủ thể gây ra là giáo viên.
Do đó, cần thay đổi nhận thức của giáo viên, cộng đồng về quan niệm giáo dục; Các nhà hoạch định chính sách cần quan hơn nữa tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người làm nghề; bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giáo viên; đào tạo, tuyển dụng giáo viên phải chặt chẽ, để đảm bảo chất lượng; Đề cao vai trò, trách nhiệm quản lý của người đứng đầu trong cơ sở giáo dục…
“Việc giáo viên đối xử với học sinh bằng cách bắt trẻ uống nước vắt từ giẻ lau bảng là do cá tính, tâm lý, nhân cách không bình thường của cá nhân cụ thể, chứ không thể nói học sinh quá hư hoặc do giáo viên thiếu kiến thức tâm lý học sư phạm.
Nếu học sinh quá hư, thậm chí xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của giáo viên, mà bản thân thầy cô không thể dùng kỷ luật nhà trường để điều chỉnh hành vi của các em thì giáo viên phải đề xuất cấp trên xử lý kỷ luật, hoặc để cơ quan khác giáo dưỡng các em.
Do đó, giáo viên trong trường hợp nói trên không có quyền hành động bắt trẻ uống nước bẩn. Làm như vậy là xúc phạm nhân phẩm các em.
Những hành vi nói trên cần phải được xử lý nghiêm trước pháp luật.
Tuy nhiên, chỉ nên coi đây là hiện tượng tiêu cực mang tính cá lẻ trong giáo dục chứ không nên nhìn vào hiện tượng để quy kết cho bản chất nền giáo dục nước nhà”, một vị lãnh đạo (đề nghị không nêu tên) công tác trong ngành giáo dục Thanh Hóa cho biết.