Trong bộ “sưu tập” cây thuốc quý của mình, ông Sáu đang sở hữu một cây thuốc “lạ” có tác dụng điều trị vô cùng hiệu quả căn bệnh đau dạ dày mãn tính. Tuy nhiên, điều trớ trêu là vị “thần y” vườn này lại không hề biết tên cây thuốc đó là gì.
Cơ duyên bước vào nghề y của ông sáu “gom rác”
Tính đến nay, ông Huỳnh Sáu (63 tuổi, ngụ phố Hàn Mặc Tử, phường Vĩ Dạ, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã có kinh nghiệm 20 năm “bốc thuốc, cứu người”. Hơn 20 năm qua là khoảng thời gian dài ông Sáu mày mò, tìm tòi công dụng của từng cây thuốc nam. Trò chuyện với chúng tôi, ông Sáu cho hay: “Trước đây, tôi vốn là một công nhân môi trường, chuyên thu gom rác và được người dân gọi với cái tên ông Sáu “gom rác”. Cuộc sống của tôi có lẽ gắn liền với nghiệp rác cho đến hết đời nếu không có lần đi chăm người em trai mắc bệnh phải điều trị ở bệnh viện”.
“Thần y” Sáu thường xuyên nhân giống cây thuốc “lạ” để giúp nhiều người nghèo có cơ hội điều trị bệnh.
Tận mắt chứng kiến người nghèo không có tiền mua thuốc, ruột gan ông Sáu đau như cắt. Ngồi bên giường bệnh của em trai, ông Sáu cứ đau đáu nỗi niềm làm sao có thể giúp được những người nghèo kia. Ông Sáu thổ lộ với chúng tôi: “Thấy cảnh trên, tôi liền nảy ra ý tại sao không chữa bệnh bằng cây thuốc nam, vừa ít tốn kém nhưng hiệu quả vẫn cao. Nghĩ vậy, tôi bỏ công tìm đọc những sách vở viết về công dụng cây thuốc trong dân gian còn lưu lại tại địa phương”.
Ông Sáu nói thêm: “Khi đọc sách hiểu rõ công dụng của từng cây thuốc nam, tôi tiếp tục lên rừng, tìm kiếm cho bằng được cây thuốc ghi trong sách để nghiên cứu công dụng. Câu chữ nào không hiểu, ông lại cất công tìm gặp các thầy lang trong vùng để hỏi rõ rồi chú thích chi tiết vào cuốn sổ tay cất giữ cẩn thận. Mỗi khi có ai bị đau ốm, hay tin ông Sáu đều tìm đến hỏi han tỉ mỉ. Nếu cảm thấy giúp được ông sẵn sàng bỏ công tìm kiếm cây thuốc rồi biếu không cho gia đình người bệnh”.
Do đam mê với những cây thuốc nam, ông Sáu xin nghỉ nghề gom rác chuyển sang nghề y. Những bài thuốc của ông Sáu tuy rất đơn giản nhưng rất công hiệu. Thậm chí, người dân đây có câu cửa miệng: “Chỉ cần ông Sáu ra tay thì bệnh tật sẽ khỏi ngay”. Cũng do đam mê với nghiệp bốc thuốc, ngày ngày, ông Sáu lại lặn lội bỏ công sưu tầm những cây thuốc nam với ý nguyện giúp người nghèo không có điều kiện đến bệnh viện chữa trị. Hễ đi đâu, nghe ai giới thiệu cây thuốc nào ông lại mày mò xin về nhân giống bằng được.
Nhiều người thấy lạ bèn thắc mắc “sao lại đi làm việc không công như vậy”? Ông Sáu nghe xong chỉ im lặng. Ông Sáu bộc bạch quan niệm sống của mình thay cho lời giải thích: “Người làm việc thiện không bao giờ mong chờ được báo ơn. Sống ở đời phải tích công đức tạo phúc cho con cháu mai sau. Tôi bỏ công nghiên cứu cây thuốc, tìm hiểu các bài thuốc cứu người cũng là vì mục đích trên. Nếu tôi học nghề thuốc để kiếm tiền làm giàu thì tôi đã không làm”.
Sau nhiều năm dày công sưu tầm cây thuốc nam, đến nay ông Sáu sở hữu nhiều cây thuốc nam như: Cây Trinh nữ hoàng cung có tác dụng chữa trị bệnh đau khớp; cây Kinh giới dùng để trị chứng viêm xoang, đau đầu; cây Nghệ núi, ngải cứu giúp chữa khỏi những bệnh thông thường như ho khan, nhức đầu, đau bụng… Ngoài những cây thuốc phổ biến trên, ông Sáu còn sở hữu nhiều cây thuốc quý, chỉ mọc ở rừng. Mỗi khi có người bệnh nào cần dùng để chữa bệnh thì ông Sáu mới đi lên rừng hái.
Bí ẩn cây thuốc “lạ”
Trước khi tìm đến nhà ông Sáu, chúng tôi biết ông Sáu sở hữu một cây thuốc chữa bệnh đau dạ dày mãn tính vô cùng hiệu nghiệm. Khi ông Sáu vừa dứt câu chuyện trên, chúng tôi liền hỏi ông Sáu về cây thuốc “lạ” này. Không hề có ý định giấu giếm, ông Sáu tâm sự: “Cơ duyên để có được cây thuốc quý đến với tôi cũng thật tình cờ. Vào năm 2011, tôi có một người bạn bị đau dạ dày lâu năm, trở thành mãn tính. Sau đó, nhờ có người hướng dẫn nên ông bạn này vào tận Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để chữa trị bằng thuốc nam. Thật bất ngờ khi chỉ hơn một tháng điều trị bạn tôi khỏi bệnh trong sự ngỡ ngàng của nhiều người”.
Vì là chỗ bạn bè thân tình, chơi với nhau nhiều năm nên người bạn kia bật mí với ông Sáu về “cây thuốc giấu” nêu trên. Trớ trêu là ngay bản thân ông cũng không biết tên gọi của giống cây này dù đã tìm hiểu bấy lâu nay. Trước hoàn cảnh trên, ông Sáu liền đặt luôn cho cây “lạ” cái tên “rất kêu” để dễ nhớ là “Cây bao tử”. Ông Sáu bảo: “Tên gọi không quan trọng bằng tác dụng của cây thuốc. Cây tên gì cũng được, miễn sao hiểu rõ công dụng của cây mà ứng dụng vào thực tế mới là điều thực sự cần thiết. Đến bây giờ, tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm tên gọi thật sự của cây thuốc này. Những mong nó có một tên gọi chính thức, đúng tên khoa học quốc tế”.
Tuy nhiên không giống với nhiều người thích “giữ làm của riêng”, ông Sáu nhiệt tình chỉ bảo tất cả mọi người. Ngày ngày ông cặm cụi nhân giống để có thật nhiều “cây bao tử” giúp đỡ những người có nhu cầu. Đến nay, số lượng “cây bao tử” trong vườn nhà ông Sáu đang nhiều lên từng ngày. Ông tốt bụng đến mức sẵn sàng chia sẻ “bài thuốc giấu” này với những ai cần biết. “Người nào có nhu cầu tôi sẽ cho cây giống về trồng. Nếu cây thuốc không đủ tôi có thể hướng dẫn để người ta tìm kiếm tại chính quê hương của họ. Những cây thuốc nam thường tồn tại ngay bên cạnh chúng ta nhưng rất ít ai để ý và biết đến”, ông Sáu cho hay.
Qua sát bên ngoài, chúng tôi ghi nhận thấy, cây thuốc “lạ” của ông Sáu mọc thành khóm, có hoa nhưng chỉ một nụ duy nhất. Đặc điểm “lạ mắt” nhất của giống cây này là trên hoa và lá cây có rất nhiều chất nhờn tiết ra. Chia sẻ về vấn đề này, ông Sáu bảo: “Người bị đau dạ dày thường do thiếu chất nhờn có tác dụng bôi trơn, tiêu hoá thức ăn. Theo tôi nhờ lượng chất nhờn dồi dào này nên cây có tác dụng chữa bệnh thật sự đặc biệt”.
Để biến cây thuốc này thành bài thuốc chữa bệnh đau dạ dày, ông Sáu chỉ dẫn cụ thể: Người bệnh chỉ cần ngắt lá “cây bao tử” rửa sạch rồi nhai sống vào mỗi buổi sáng. Đối với người bệnh là nam giới, mỗi lần cần nhai đủ bảy lá, nữ giới mỗi lần nhai chín lá. Không thể giải thích rõ tại sao lại nhai bảy lá hay chín lá nhưng ông Sáu bật mí đó là “bí kíp” trong dân gian.
Một điều kiện mang tính kỳ bí là khi sử dụng “cây bao tử” để chữa bệnh tuyệt đối không được giải thích câu nào. Ông Sáu bảo rằng đây là “vị thuốc giấu” (giống như cách chữa “mẹo” trong dân gian) nên khi sử dụng cũng cần “im lặng”, nếu không sẽ làm mất công hiệu của thuốc. “Chỉ cần đưa lá cây bao tử rồi bảo người bệnh nhai sống là được. Dù người bệnh thắc mắc điều gì đều không được giải thích vào lúc đó. Kiên trì nhai lá cây thường xuyên khoảng 1 – 2 tuần sẽ khỏi bệnh”, ông Sáu nói.
Tự kiểm chứng công dụng chữa bệnh
Khẳng định thêm về tác dụng của cây thuốc nam trong vườn mình, ông Huỳnh Sáu cho biết chính bản thân ông đã thử nghiệm tác dụng của “cây bao tử”: “Ngày trước hễ uống bia rượu dù chỉ chút ít bụng tôi cũng cứ đau râm ran rất khó chịu. Tuy nhiên, sau đó mỗi lần đi dự tiệc tùng tôi chỉ cần ăn vài lá cây đề ph.ng tuyệt nhiên không còn cảm giác đau bụng như trước đây nữa”. Cũng theo lời ông, chữa trị bệnh đau dạ dày bằng lá “cây bao tử” sẽ không phải lo lắng những tác dụng phụ như chữa trị bằng tây y.
Trước khi tạm biệt chúng tôi, ông Sáu nhắn nhủ là mong muốn các cơ quan chuyên môn vào cuộc tìm hiểu, nghiên cứu về tác dụng của cây thuốc này.