Mã đề – một loài cây mọc dại, vừa là rau ăn hằng ngày, vừa là thảo dược trong Đông y. Hãy cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu về tác dụng của mã đề đối với sức khoẻ nhé!
1Tổng quan về cây mã đề
Mã đề hay còn được gọi là Bông mã đề hay Xa tiền thảo,… Mã đề có tên khoa học là Plantago asiatica L, thuộc họ Mã đề (Plantaginaceae).
Mã đề là cây thân thảo, sống lâu năm, thường sống ở những nơi ẩm ướt, đất thịt, mềm. Người ta sử dụng hạt, lá, toàn thân (bỏ rễ) mã đề để làm dược liệu, nhiều nơi ở nước ta mã đề còn được trồng và sử dụng như rau ăn kèm.
2Lợi ích của mã đề theo y học hiện đại
Giảm viêm
Phản ứng viêm là phản ứng bảo vệ quan trọng đối với các loại tổn thương như mẩn đỏ, sốt, phù nề (sưng tấy) và đau ở các mô liên quan.
Cây mã đề có chứa các hợp chất có tác dụng chống viêm như flavonoid, terpenoid, glycosid và tannin. Các chất chiết xuất này có khả năng làm giảm phản ứng viêm bằng cách giảm mức độ các cytokine tiền viêm và sản xuất glucocorticoid tại mô tại chỗ.
Do đó, chiết xuất metanol và etanol của mã đề có tiềm năng được sử dụng như một phương pháp điều trị thay thế hoặc hỗ trợ để giảm tổn thương tế bào qua trung gian viêm sau nhiễm độc Acetaminophen. [1]
Bên cạnh đó, hạt mã đề đang được đề xuất là nguồn chính để phát triển thêm các sản phẩm chống ung thư và chống viêm.
Giúp vết thương nhanh lành
Mã đề được sử dụng để chữa lành vết thương. Do mã đề có tác dụng giảm viêm, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và giảm đau nên quá trình lành vết thương sẽ nhanh hơn.
Một thử nghiệm trên chuột cho thấy diện tích vết thương lành nhanh hơn ở những con chuột được điều trị bằng mã đề. Đến ngày thứ 15, vết thương sẽ liền hoàn toàn ở những con chuột này. [2]
Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa
Một mô hình loét dạ dày đã được sử dụng trên chuột để kiểm tra khả năng ức chế vết loét của chiết xuất mã đề. Độ axit và dịch dạ dày giảm đáng kể vì chiết xuất mã đề ức chế tiết axit dạ dày và tăng các yếu tố bảo vệ niêm mạc.[3]
Hạt mã đề được khuyên dùng cho bệnh viêm ruột (IBD). Bên cạnh đó, chiết xuất từ lá mã đề có tác dụng làm giảm nhu động của tá tràng, giảm viêm loét dạ dày và cũng có tác dụng chống tiêu chảy.[4]
3Lợi ích của mã đề theo y học cổ truyền
Tính chất của cây mã đề
- Tính vị: Mã đề có vị ngọt, tính hàn. Có tác dụng thanh nhiệt, làm thông thoáng mồ hôi, sáng mắt, làm sạch phong nhiệt ở phổi và làm tiêu tắc nghẽn.
- Quy kinh: Quy kinh vào Can, Thận và Bàng quang.
Tác dụng dược lý
- Lợi tiểu: Nước sắc mã đề có thể làm tăng lượng nước tiểu.
- Tác dụng kháng sinh: Nước sắc mã đề có thể ức chế một số vi trùng gây ra các triệu chứng nhiễm trùng ngoài da. Các nốt mụn nhọt có thể dùng bột ã đề đắp lên để chữa mưng mủ và làm giảm viêm tấy.
- Điều trị ho: Nước sắc mã đề có thể trừ đờm, tác dụng có thể kéo dài đến 6 – 7 giờ.
- Chữa đái dầm hoặc đái nhiều ở trẻ em.
- Điều chỉnh hơi thở: Hoạt chất Plantagin trong mã đề có tác dụng kích thích hệ thống thần kinh bài tiết niêm dịch của phế quản và ống tiêu hóa. Do đó, sử dụng mã đề có thể điều chỉnh hơi thở sâu và nhẹ nhàng.
- Chữa cao huyết áp: Sử dụng 20 – 30g mã đề sắc lấy nước uống hằng ngày có thể điều chỉnh huyết áp.
4Cách dùng cây mã đề
- Sử dụng dưới dạng dược liệu: Bạn có thể sử dụng mã đề dưới dạng trà thảo mộc hay dưới dạng dược phẩm như cồn thuốc, viên nang,…
- Sử dụng như một loại rau: Ở nước ta, mã đề được trồng và mọc dại khá nhiều. Bạn có thể ăn sống hoặc nấu chín lá non, những lá già sẽ thích hợp hơn với các món xào, súp, hầm. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể phơi khô và ngâm với dầu (dầu dừa, dầu hướng dương, dầu oliu,…) để sử dụng tại chỗ.
Lưu ý khi sử dụng Mã đề
- Không nên sử dụng cho người già tiểu đêm nhiều, thận kém.
- Phụ nữ mang thai cần thận trọng khi sử dụng lá mã đề để ăn kèm như một loại rau sống.
- Cẩn trọng khi sử dụng hạt mã đề cho người bị thấp nhiệt.
- Không nên sử dụng mã đề cho người tiểu nhiều lần, táo bón, thận hư, dương khí hạ giáng, không có thấp nhiệt.
- Khi sử dụng dược liệu mã đề nên kiêng các chất kích thích, thức ăn cay nóng, rượu, bia, cà phê, thuốc lá,…