Cần quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung và thúc đẩy liên kết sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tỉnh Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp tập trung, 62 làng nghề và 22 cụm công nghiệp với hơn 17.000 doanh nghiệp, gần 300.000 công nhân, người lao động, vì vậy nhu cầu của người tiêu dùng về rau sạch ngày càng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu về các sản phẩm rau an toàn ở các bếp ăn tập thể phục vụ các công ty, bệnh viện, trường học, nhà hàng… cũng là những thị trường tiềm năng và là đích đến cho rau an toàn của tỉnh.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 263 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung; 24 vùng sản xuất khoai tây, hành tỏi; 26 vùng sản xuất rau các loại và một số vùng sản xuất hoa, cây cảnh. Đã hình thành và phát triển được 44 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 207,78 ha, tập trung vào các cây trồng chính như: Lúa, rau an toàn và hoa, cây cảnh (trong đó có 29 cơ sở sản xuất trong nhà lưới, nhà kính với diện tích nhà lưới 9,45ha, nhà kính 10,68 ha). Nhiều mô hình cho giá trị kinh tế cao như: vùng hành, tỏi 150 triệu đồng/ha/năm, vùng trồng cà rốt 120 triệu đồng/ha/năm, vùng trồng bí xanh, bí đỏ 60 – 70 triệu đồng/ha/năm ở Gia Bình, Lương Tài; vùng khoai tây ở Quế Võ, Yên Phong đạt từ 70 đến 90 triệu đồng/ha/vụ đông; vùng chuyên rau 300 triệu đồng/ha/năm ở Yên Phong, Tiên Du, thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh, vùng cà chua ở huyện Yên Phong đạt trên 60 triệu đồng/ha/vụ đông…
Việc sản xuất rau an toàn ở Bắc Ninh hiện nay có nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức. Bắc Ninh có nhiều lợi thế như: đất đai màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây trồng; cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp được chú trọng đầu tư; trình độ sản xuất, thâm canh của người dân khá cao; ngoài phục vụ nội tỉnh, sản phẩm rau Bắc Ninh còn cung cấp cho thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Xác định được thế mạnh này, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành tăng cường ứng dụng công nghệ cao, tích tụ ruộng đất, xây dựng liên kết chuỗi hộ gia đình, trang trại nông – công nghiệp, đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Ngoài ra, ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, qua đó khuyến khích được các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì phát triển rau an toàn ở tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Duy Hữu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, diện tích tự nhiên hẹp, đất dành cho nông nghiệp ít và manh mún cho nên khó tích tụ ruộng đất. Trong khi đó, người nông dân vẫn có thói quen sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, kết hợp với tập quán canh tác truyền thống vẫn là phổ biến; giá bán rau an toàn và không an toàn chênh lệch không nhiều, do chưa xây dựng được thương hiệu nên các sản phẩm rau an toàn chưa tìm được chỗ đứng trong các siêu thị và bếp ăn tập thể… Đây là thách thức đang đặt ra cho các địa phương có vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn.
Để rau an toàn vào được các siêu thị, các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp cũng như có thể cạnh tranh với các sản phẩm rau trên thị trường, một trong những giải pháp cần thực hiện là rà soát các vùng, quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia thu mua sản phẩm rau an toàn cũng như đầu tư vào sản xuất rau an toàn. Chủ động xây dựng mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các hội viên nông dân, giữa hội viên nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng, hiệp hội ngân hàng, nhà phân phối để sản xuất, kinh doanh rau an toàn có hiệu quả ở nông thôn, đặc biệt là sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị phù hợp với nhu cầu của thị trường, khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá”.
Các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp tăng cường cung cấp, đăng tải thông tin đến thị trường nông sản, giá cả thị trường, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên các phương tiện truyền thông; tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm rau an toàn.
Cùng với đó, phát triển kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các mô hình sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho hội viên nông dân.