Dễ tử vong nếu ăn thịt chó
Loài chó là vật nuôi được thuần hóa và gắn bó với cuộc sống của con người từ rất lâu. Trong một số gia đình, chó không những giúp người chủ trông nhà mà nó còn được xem như là thành viên trong gia đình, con vật yêu thương, gắn bó. Gần đây nhiều phòng khám thú y và cửa tiệm chăm sóc thú cưng phát triển mạnh do nhu cầu của chủ nuôi, cho thấy tình cảm dành cho loài chó ngày càng sâu đậm, thân thiết.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, có rất nhiều người thích ăn thịt chó và cho rằng thịt chó ngon và có đạm cao. Tuy nhiên việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm trong điều kiện nuôi, giết mổ, bảo quản như hiện nay, nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm là rất cao, thậm chí gây tử vong nếu sử dụng thịt chó bị nhiễm bệnh dại hoặc những vi sinh vật gây bệnh khác.
Theo quy định của Luật Thú y, quy định về sử dụng thịt gia súc, gia cầm làm thực phẩm phải đáp ứng quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và an toàn thực phẩm. Hiện tại, pháp luật Việt Nam không cấm sử dụng thịt chó nhưng cũng không đưa loài chó vào danh mục vật nuôi để giết thịt làm thực phẩm cho con người. Việc sử dụng thịt chó hiện tại tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe do việc chăn nuôi, giết mổ chưa qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của cơ quan nhà nước.
Thịt chó rất nhiều chất đạm nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn
Nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là virus gây bệnh dại
Nhiễm kí sinh trùng, đặc biệt là trứng và ấu trùng không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác, thậm chí có thể xâm nhập vào cả não và mắt. Hiện tượng này được gọi là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng (larva migrans) gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.
Ăn thịt chó có thể nhiễm hóa chất dùng để đánh bả
Nhiễm hóa chất tồn dư trong thịt chó, đặc biệt là các hóa chất dùng để đánh bả chó, những hóa chất này thường rất độc và có thể gây chết người.
Ăn thịt chó có thể mắc bệnh dại
PGS.TS Bùi Vũ Huy – Giảng viên khoa Truyền Nhiễm (Đại học Y Hà Nội) cũng cho biết, những người có thói quen ăn tiết canh chó, thịt chưa nấu chín kĩ, vệ sinh dao thớt giết thịt chó không sạch sẽ và còn dính dãi của chó mang bệnh, hoàn toàn có thể mắc bệnh dại.
Ăn thịt chó nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn
Bên cạnh đó người ăn thịt chó cũng có nguy cơ bị lây nhiễm các loại vi khuẩn đường tiêu hóa, nguy hiểm hơn là nhiễm liên cầu lợn gây viêm màng não, sốc nhiễm trùng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ăn thịt chó trúng bả có thể gây rối loạn đông máu
Người ăn phải thịt chó bị trúng bả dễ bị nhiễm độc trong bả chó, dẫn tới rối loạn đông máu, xơ gan, suy thận…
Ăn thịt chó có thể gây khó tiêu, chướng bụng
Thịt chó có chứa nhiều chất dinh dưỡng, lại giàu chất đạm. Nếu ăn thịt chó quá nhiều bạn sẽ bị nóng trong, chướng bụng, khó tiêu và ậm ạch do cơ thể phải hấp thụ một lượng đạm quá nhiều nhưng chưa kịp tiêu hóa.
Ăn thịt chó có thể ảnh hưởng tới gan, thận
Nguy hiểm hơn, gan và thận của bạn sẽ phải làm việc hết công suất, dẫn đến quá tải, ảnh hướng xấu tới chức năng gan, thận.
Quản lý việc giết mổ kinh doanh và sử dụng thịt chó
Liên quan tới tác hại khi ăn thịt chó, UBND Hà Nội đã ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn thành phố.
UBND TP yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông phổ biến về tính chất nguy hiểm của bệnh dại để người dân chủ động phòng, chống. Sở này cũng cần tuyên truyền về nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khi sử dụng thịt chó, mèo làm thực phẩm; ý nghĩa nhân văn của việc đối xử nhân đạo với súc vật để dần thay đối thói quen và nhận thức khi sử dụng thit chó, mèo làm thực phẩm, đảm bảo văn minh đô thị.
Theo UBND Hà Nội, việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo đã tạo ra những phản cảm đối với khách tham quan du lịch, du khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một Thủ đô văn minh, hiện đại. Ngoài ra, việc này còn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh các bệnh truyền nhiễm như dại, xoắn khuẩn, tả… cho những người tham gia quá trình kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo.
Bên cạnh đó, UBND TP còn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã triển khai công tác phòng, chống bệnh dại; Thực hiện chương trình hợp tác về phòng, chống bệnh dại với các tổ chức.
Sở Y tế tăng cường truyền thông về bệnh dại; giám sát bệnh dại trên người và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ có ca bệnh dại trên động vật, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bị động vật cắn…
Theo An Dương/vietq.vn