Thông thường, họng bị khô trong một lúc nào đó thì chưa phải là một dấu hiệu đáng phải lưu tâm. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, nó sẽ khiến ta cảm thấy khó chịu. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây ra khô cổ họng và các cách chữa trị mà bạn nên tham khảo.
1. Cơ thể bị thiếu nước gây khô cổ họng
Cảm thấy cổ họng bị khô có thể chỉ đơn giản là một “dấu hiệu” cho thấy bạn không uống đủ nước. Khi không được bù đủ nước, bài tiết của cơ thể sẽ giảm, theo đó lượng nước bọt để làm ẩm miệng và cổ họng cũng giảm. Dịch tiết sinh lí của mũi xoang – dịch thường xuyên “chảy” qua họng cũng bị giảm. Sự tiết nhầy tại chỗ của niêm mạc họng cũng giảm…gây ra khô họng. Đó là nguyên nhân gây khô cổ họng do uống nước không đủ.
Ngoài ra còn có khô họng do mất nước, nghĩa là uống đủ nước nhưng lượng nước bị mất quá nhiều xảy ra khi cơ thể đổ nhiều mồ hôi, khi bị sốt cao…
Ngoài cảm giác khô họng, thiếu nước còn khiến bạn:
- Khô miệng
- Cảm thấy khát
- Tiểu ít và nước tiểu sậm màu
- Mệt mỏi
- Hoa mắt
Cách chữa khô họng do thiếu nước
Khi cổ họng bị khô, ta nên cố gắng bổ sung lượng nước vào sao cho cân bằng với lượng nước mà cơ thể đã bài tiết ra ngoài. Lượng nước trung bình cần thiết trong trạng thái bình thường để duy trì sự cân bằng đó là khoảng 1,5 – 2l mỗi ngày. Trong đó, khoảng 20% lượng nước được cung cấp thông qua các loại trái cây, rau củ quả và các loại thực phẩm khác. Khi bị khô cổ họng do thiếu nước, bạn nên uống nước lọc là tốt nhất. Tránh dùng các loại nước ngọt hay cà phê vì chúng có thể khiến tình trạng mất nước trở nên trầm trọng hơn.
2. Bị khô họng do thở miệng khi ngủ
Nếu bạn thức dậy vào buổi sáng mà cảm thấy cổ họng khô, nguyên nhân có thể là do bạn đã thở bằng miệng trong lúc ngủ. Luồng không khí lưu thông trực tiếp qua miệng họng sẽ lấy đi độ ẩm cần thiết của niêm mạc họng, làm khô lượng nước bọt vốn được sinh ra để bảo vệ răng miệng. Ngoài việc gây khô họng, thở bằng miệng trong khi ngủ còn gây ra các rối loạn sau:
- Ngáy
- Hôi miệng
- Mệt mỏi vào ngày hôm sau
Ngủ ngáy có thể là một dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi ngủ với đặc trưng là các quãng thở và ngưng thở liên tục xen kẽ nhau suốt cả đêm.
Thở miệng có thể do hiện tượng sung huyết tạm thời của niêm mạc mũi ở người bệnh cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi xoang dị ứng. Nó cũng có thể do tắc nghẽn mạn tính ở mũi, hậu quả của dị hình vách ngăn mũi, viêm mũi xoang mạn tính thoái hóa niêm mạc, polyp mũi và các loại khối u khác…
Cách khắc phục tình trạng khô họng do thở miệng lúc ngủ
Nếu bạn có vấn đề về mũi xoang, có thể khắc phục tạm thời bằng cách sử dụng miếng dán ngoài hoặc dụng cụ nong tiền đình để nới rộng van mũi cho dễ thở hơn khi ngủ. Giải pháp lâu dài là phải khám bác sĩ chuyên khoa để chữa tận gốc những bệnh lí về mũi xoang đó.
Điều trị nghẹt mũi mạn tính
Bác sĩ sẽ điều trị viêm mũi xoang mạn tính, polyp mũi bằng thuốc hoặc phẫu thuật tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
Với dị hình vách ngăn mũi, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để chỉnh sửa cho thẳng lại.
Sau khi đã làm thông được đường thở mũi mà vẫn còn gáy và ngưng thở khi ngủ, bác sĩ có thể sẽ chỉ định sử dụng thiết bị hỗ trợ qua miệng để tạm thời điều chỉnh lại vị trí của hàm dưới khi ngủ. Liệu pháp dùng máy áp lực dương liên tục (CPAP) cũng hữu ích để gia tăng lượng oxy trong quá trình hô hấp. Vấn đề phẫu thuật để chữa ngáy có thể được đặt ra nếu triệu chứng trở nên trầm trọng.
3. Bị khô cổ họng do viêm mũi dị ứng
Khô họng là bệnh gì? Câu trả lời có thể là do viêm mũi dị ứng. Hệ miễn dịch đóng vai trò bảo vệ cơ thể chống lại những tác nhân nguy hại xâm nhập. Ở những người bị dị ứng, hệ miễn dịch lại phản ứng “thái quá” với những tác nhân có vẻ “thông thường” trong môi trường sống, ví dụ như phấn hoa, cỏ, nấm mốc, mạt bụi… Phản ứng dị ứng này có thể gây ra:
- Hắt hơi
- Ngứa mắt, miệng hay da
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
Mũi bị nghẹt sẽ khiến bạn phải thở bằng miệng và hậu quả là bị khô họng.
Phòng tránh và điều trị các triệu chứng dị ứng
Nếu bạn có cơ địa dị ứng, cần tránh tiếp xúc với các dị nguyên bằng các cách sau đây:
- Hạn chế ra ngoài vào những ngày gió máy hanh khô
- Đóng kín cửa khi bên ngoài có nhiều phấn hoa
- Giặt drap giường, gối hàng tuần bằng nước nóng
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, loại bỏ bụi bặm, nấm mốc, nhất là ở các khu vực tối và ẩm
- Đeo khẩu trang khi vệ sinh nhà cửa hoặc khi đi ra ngoài vào mùa nhiều phấn hoa. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dị ứng với mạt bụi nhà là thường gặp nhất.
Để điều trị, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc kháng histamine, thuốc corticoid hoặc khuyên bạn dùng liệu pháp miễn dịch giải mẫn cảm.