Hơn 2000 năm trước, Hippocrates – cha đẻ của nền y học phương Tây, đã nói rằng: “Mọi bệnh tật đều có nguồn gốc từ dạ dày” với hàm ý sự khỏe mạnh hay bệnh tật của một người đều liên quan mật thiết đến hệ tiêu hóa. Với sự phát triển của y học hiện đại, nhận định này đã phần nào được chứng minh thông qua kết quả của rất nhiều công trình nghiên cứu. Không những vậy, nhiều nghiên cứu còn khẳng định hệ tiêu hóa sở hữu một sức mạnh cực kỳ to lớn, nó không chỉ liên quan đến não bộ mà còn quyết định khả năng miễn dịch cũng như việc cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Chức năng của hệ tiêu hóa: “Bộ não” thứ 2 của con người
Có lẽ trong số chúng ta, không ai xa lạ gì với cảm giác “cồn cào” trong bụng. Thế nhưng, ít ai biết rằng đằng sau cảm giác này là một mạng lưới các nơ-ron thần kinh được các nhà khoa học đặt biệt danh là “bộ não thứ 2” của cơ thể.
Xem thêm:: Khám phá sức khỏe
Theo nghiên cứu, mạng lưới nơ-ron này chứa đầy đủ các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng và chức năng chính của nó không chỉ đơn thuần là tiêu hóa thức ăn hoặc gây ra các cơn đau. Thực tế, mạng lưới này có liên quan mật thiết đến “bộ não lớn bên trong hộp sọ”, quyết định một phần trạng thái tinh thần và có vai trò quan trọng trong một số bệnh. Tuy nhiên, dù có ảnh hưởng rất lớn nhưng “bộ não thứ 2” lại không chứa đựng bất kỳ suy nghĩ có ý thức nào.
Bộ não thứ 2 hay hệ thần kinh đường ruột là tập hợp hàng trăm triệu tế bào thần kinh được bố trí khắp hệ tiêu hóa và cả hàng tỷ cá thể vi khuẩn đường tiêu hóa cộng tác với chúng. Các tế bào thần kinh thuộc hệ thần kinh ruột duy trì mối liên hệ thường xuyên với quần thể vi khuẩn hữu ích ký sinh bên trong ruột. Mối quan hệ này mang ý nghĩa tích cực dưới mọi phương diện. Nhiều loại vi khuẩn đường ruột có khả năng tạo ra những hợp chất cần thiết để đảm bảo hoạt động bình thường của não bộ.
Đặc biệt, “bộ não thứ 2” còn ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc. Theo nghiên cứu, hệ thần kinh đường ruột sản sinh hơn 30 chất dẫn truyền thần kinh, trong đó 95% serotonin (hormone đem lại cảm giác vui vẻ) được tìm thấy ở ruột non. Các nhà khoa học đang tìm hiểu nhiều hơn về chức năng của hormone serotonin được tạo ra bởi hệ thần kinh đường ruột. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng serotonin được tạo ra từ bộ não thứ 2 có thể hỗ trợ điều trị chứng tự kỷ.
Đường ruột là ngôi nhà của hệ miễn dịch
Đường ruột – ngôi nhà của hệ miễn dịch
Ngoài được ví như “bộ não thứ 2”, hệ tiêu hóa còn được mệnh danh là “ngôi nhà” của hệ miễn dịch khi có đến 70% hệ miễn dịch nằm ở đường ruột.
Theo nghiên cứu, hệ miễn dịch của bạn sẽ bao gồm 4 “đội quân” chính:
- Các cơ quan sản xuất ra tế bào bạch cầu
- Hệ thống bạch huyết
- Các kháng nguyên và kháng thể mà cơ thể tạo ra sau khi nhiễm virus và các mầm bệnh khác
- Hệ vi sinh vật đường ruột, được biết đến là đóng một vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch của cơ thể.
Hệ vi sinh đường ruột là một “cộng đồng” có đến hơn 100 ngàn tỷ vi sinh thuộc hàng trăm loài khác nhau từ vi khuẩn, nấm và các vi sinh vật khác sống trong đường tiêu hóa. Những vi sinh vật này không chỉ có tác dụng phân hủy thức ăn, hấp thu dinh dưỡng mà còn có chức năng gửi tín hiệu cảnh báo đến hệ miễn dịch của cơ thể khi chúng cảm thấy nguy hiểm.