Việc điều trị suy nhược cơ thể không khó nhưng người bệnh cần thay đổi lối sống nhằm tiết kiệm năng lượng cho những hoạt động cần thiết.
Theo nghiên cứu Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vitamin cho người suy nhược cơ thể là vitamin C và vitamin B.
Vitamin C rất cần thiết cho sự tạo thành collagen, tu sửa mô trong cơ thể và tham gia trong một số phản ứng oxi hóa – khử. Bên cạnh đó, vitamin C còn có tác dụng tăng sức đề kháng với bội nhiễm khuẩn, tăng cường miễn dịch, tăng cường sự bền vững của mạch máu.
Có nhiều phương pháp để bổ sung vitamin C cho cơ thể, tuy nhiên cách tốt nhất là qua đường ăn uống vì vitamin C trong thực phẩm gồm các dạng đồng phân tự nhiên nên cơ thể có thể hấp thụ một cách dễ dàng. Vitamin C thường có nhiều trong các thực phẩm rau, củ, quả.
Đối với các vitamin nhóm B là nhóm vitamin có thể hòa tan trong nước, đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình trao đổi chất của các tế bào trong cơ thể và cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể, chúng sẽ kết hợp với nhau và giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giúp hệ thần kinh khỏe mạnh.
Thiếu vitamin B có thể dẫn đến một số biến chứng về sức khỏe từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào mức độ thiếu hụt như giảm cân, viêm họng, mất ngủ, huyết áp cao,… Do vậy, bổ sung vitamin B đều đặn là rất quan trọng.
Có 8 loại vitamin gồm: Vitamin B1(Thiamine); Vitamin B2 (Riboflavin); Vitamin B3 (Niacin); Vitamin B5 (axit Pantothenic); Vitamin B6 (Pyridoxine); Vitamin B7 (Biotin); Vitamin B9 (axit Folic) và Vitamin B12 (Cyanocobalamin).
Vitamin B cũng có trong nhiều loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày như bánh mì, khoai tây, chuối, đậu lăng, tiêu, cá ngừ, các loại đậu, các loại hạt, trứng, ngũ cốc và bột yến mạch, ức gà, nước ép cà chua…