Cây tầm bóp hay còn được gọi là cây lồng đèn, cây thù lù canh có tên khoa học là Physalis angulata L. thuộc họ cà (Solanaceae). Nó có nguồn gốc từ các nước Nam Mỹ, bao gồm Brazil, Peru, Colombia, Ecuador và Chile. Ở Việt Nam, bạn có thể dễ dàng thấy cây tầm bóp mọc hoang khắp nơi, ở trên các bờ ruộng, bãi cỏ, đất hoang hay ven đường.
Quả tầm bóp có hình cầu, bọc trong một lớp lá nhìn trông giống như cái lồng đèn. Khi còn non thì quả màu xanh, đến lúc chín sẽ có màu cam đỏ, bên trong có hạt hình thận, khi bóc lớp vỏ ngoài thì nó vỡ ra kêu lụp bụp.
Không ít người thắc mắc là quả tầm bóp có ăn được không? Câu trả lời là có, khi ăn quả có vị chua chua và hơi đắng một chút. Quả tầm bóp có thể ăn sống, nấu chín hoặc làm thành mứt, thạch, ăn cũng rất ngon.
Quả tầm bóp có thể ăn được, khi chín có vị chua chua hơi đắng.
Giá trị dinh dưỡng
Quả tầm bóp cũng cung cấp không ít chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin. Tiêu thụ 140 gam quả tầm bóp cung cấp:
– 3,92 mg vitamin B3,
– 1,4 mg sắt,
– 15,4 mg vitamin C,
– 0,154 mg vitamin B1,
– 15,68 gam carbohydrate,
– 56 mg phốt pho,
– 50 µg vitamin A,
– 2,66 gam protein
– 0,056 mg Vitamin B2,
– 0,98 gam tổng chất béo
– 13 mg canxi.
Tác dụng của quả tầm bóp
1. Hỗ trợ hệ thống miễn dịch
Một cốc quả tầm bóp chứa hơn 50% giá trị hàng ngày (DV) vitamin C. Vitamin C hoạt động như một chất chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể chống lại tác hại của các gốc tự do và tăng cường hệ miễn dịch. Nó cũng đóng một vai trò trong việc hình thành collagen, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương. Ngoài ra, vitamin C giúp tăng cường các chất dinh dưỡng khác. Nó giúp cơ thể bạn hấp thụ sắt và tạo ra các chất chống oxy hóa khác, chẳng hạn như vitamin E.
2. Có khả năng chống viêm và chống ung thư
Tầm bóp chứa steroid được gọi là withanolides. Withanolides có thể giúp chống lại các tình trạng viêm, chẳng hạn như viêm khớp, lupus và bệnh viêm ruột (IBD).
Withanolides cũng có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa và điều trị ung thư. Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu việc sử dụng các withanolide để nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tế bào ung thư cụ thể.
Một trong những tác dụng của quả tầm bóp là có khả năng ngừa ung thư.
3. Tốt cho xương
Ăn quả tầm bóp có thể giúp bạn đáp ứng nhu cầu canxi hàng ngày. Hầu hết mọi người đều biết rằng canxi rất cần thiết trong việc xây dựng và duy trì xương. Ngoài ra, canxi cũng đóng một vai trò lớn trong các chức năng của cơ thể như:
– Co cơ
– Điều hòa nhịp tim
– Sản xuất hormone
– Hỗ trợ mạch máu khỏe mạnh
4. Cải thiện sức khỏe tiêu hóa
Hàm lượng pectin cao trong quả tầm bóp khiến cho nó rất thích hợp để làm mứt và thạch. Ngoài ra pectin cũng là một nguồn chất xơ dồi dào. Chất xơ giúp di chuyển thức ăn qua ruột già (ruột kết) để ngăn ngừa táo bón. Nó cũng hấp thụ nước trong phân để làm cho phân mềm hơn và dễ dàng đi qua hệ tiêu hóa của bạn.
5. Giúp mang thai khỏe mạnh
Sắt có thể được tìm thấy trên cả thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật. Các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh và trái cây khô có hàm lượng sắt tốt, rất cần thiết cho phụ nữ mang thai. Một phụ nữ mang thai cần khoảng 27mg sắt mỗi ngày.
Trong quả tầm bóp cũng chứa không ít sắt, có thể góp phần đáp ứng nhu cầu lượng sắt hàng ngày bạn cần.
6. Giảm đau khớp
Vì niacin đóng một vai trò trong việc tăng lưu lượng máu đến các bộ phận cụ thể, nó cũng có thể giúp giảm đau do viêm khớp bằng cách thúc đẩy lưu lượng máu đến các khu vực bị đau.
Tiêu thụ thực phẩm giàu niacin có thể giúp bạn đạt được tác dụng này. Tầm bóp là nguồn cung cấp vitamin B3 (niacin) tốt nhất. Vì vậy, ăn thêm vài quả tầm bóp mỗi ngày có thể phần nào giúp bạn giảm đau do viêm khớp.
7. Cải thiện khả năng nhận thức
Tầm bóp có tác dụng chống oxy hóa chủ yếu nhờ lượng vitamin C khổng lồ có trong nó. Vitamin C cũng giúp loại bỏ mảng bám tích tụ gây ảnh hưởng tới khả năng nhận thức.
Quả tầm bóp chứa 15,4 mg vitamin C, chiếm 17,11% giá trị khuyến nghị hàng ngày. Nó cũng có thể tăng cường khả năng nhận thức ở những người trẻ tuổi, tăng trí nhớ, khả năng tập trung.
8. Cải thiện thị lực
Ăn thực phẩm giàu vitamin A như tầm bóp, cà rốt một cách thường xuyên có thể giúp cải thiện thị lực. Thiếu vitamin A có thể dẫn đến khó nhìn trong ánh sáng mờ. Vì tầm bóp rất giàu vitamin A, nó rất tốt cho việc cải thiện thị lực và tránh các tình trạng về mắt như bệnh quáng gà.
Cách chế biến quả tầm bóp
Tất cả bộ phận của cây tầm bóp như quả, lá, thân, rễ đều có thể dùng chế biến món ăn hoặc làm thuốc. Riêng với quả tầm bóp, mọi người có thể chế biến theo một vài cách sau, điển hình nhất là làm mứt từ quả tầm bóp.
Cách làm mứt tầm bóp:
Chuẩn bị: 1kg tầm bóp, 400g đường, 70ml mật ong, 1/2 cây quế, 2 thìa nước cam, 2 thìa nước cốt chanh.
Đầu tiên rửa sạch tầm bóp và để ráo. Sau đó cho tất cả nguyên liệu trên vào nồi, khuấy đều, đun sôi trong 3-4 phút. Giảm lửa xuống liu riu nấu thêm 25-30 phút cho đến khi thấy mứt sền sệt thì đun thêm 5 phút để đạt được độ dẻo. Khi mứt đã được như mong muốn thì tắt bếp, để nguội rồi cất vào lọ đậy kín.
Bạn có thể chế biến quả tầm bóp thành mứt ăn rất ngon.
Ngoài làm mứt, bạn có thể dùng quả tầm bóp tươi trong các món salad hay làm sinh tố hoa quả. Hoặc bạn có thể dùng quả tầm bóp làm trang trí cho các món bánh.