Mới đây, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận khẳng định rằng: không có một dấu hiệu nào cho thấy sóng wifi có tác động không tốt đến sức khỏe con người.
Chương trình Panorama của kênh BBC cho biết, họ phát hiện thấy lượng sóng Wi-Fi ở một trường học cao gấp 3 lần lượng sóng điện thoại di động trong môi trường thông thường. Nhưng con số này vẫn thấp hơn mức an toàn của chính phủ Anh đặt ra.
Sir William Stewart – Chủ tịch cơ quan bảo vệ sức khoẻ Anh – khẳng định cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa về ảnh hưởng của sóng Wi-Fi.
Trao đổi với chương trình Panorama ông Stewart khẳng định hiện đã có những bằng chứng cho thấy sóng bức xạ phát ra từ các thiết bị như ĐTDĐ hay bộ phát sóng Wi-Fi dù ở mức thấp có những tác động không tốt đến sức khoẻ con người.
Sóng Wi-Fi hầu như không có bất kỳ tác động xấu nào đến sức khoẻ.
Các chuyên gia khác lại tỏ ra không đồng tình với quan điểm của vị chủ tịch Cơ quan bảo vệ sức khoẻ.
Ông Lawrie Challis – giáo sư đang giảng dạy tại trường ĐH Nottingham kiêm chủ tịch uỷ ban quản lý chương trình của Tổ chức nghiên cứu sức khoẻ và viễn thông di động (MTHR) – khẳng định: “Sóng Wi-Fi hầu như không có bất kỳ tác động xấu nào đến sức khoẻ. Các bộ phận phát sóng Wi-Fi thường không mạnh và ở cách xa người dùng”.
“Cũng có trường hợp thiết bị nhận sóng Wi-Fi ở gần người dùng như trường hợp một chiếc máy tính xách tay chẳng hạn. Trường hợp này cũng giống với trường hợp chúng ta khuyên trẻ em không nên sử dụng ĐTDĐ. Chúng ta sẽ khuyên chúng để máy tính xách tay trên bàn thay vì để trên đùi nếu chúng có ý định sử dụng trong một thời gian dài”.
Cường độ quá thấp
Giáo sư Malcolm Sperrin – một chuyên gia trong lĩnh vực y tế – cũng khẳng định với BBC News sóng Wi-Fi không hề có tác động nào đến sức khoẻ con người. “Sóng Wi-Fi là sóng radio cường độ thấp có bước sóng tương tự như bước sóng radio sử dụng trong các lò vi sóng. Nhưng cường độ sóng Wi-Fi thấp hơn 100.000 so với cường độ sóng trong lò vi sóng”. Sóng radio sản sinh ra từ các thiết bị phát sóng Wi-Fi, ánh sáng trắng, lò vi sóng hoặc điện thoại di động có thể khiến nhiệt độ bề mặt của vật thể tăng lên nhưng chúng không thể gây ra bất kỳ tác động xấu nào. Cơ quan bảo vệ sức khoẻ cho biết, lượng sóng radio phát ra từ một Wi-Fi hotspot trong một năm mới bằng được lượng sóng phát ra từ chiếc ĐTDĐ khi thực hiện một cuộc gọi kéo dài 20 phút.
“Một số người cho rằng sóng Wi-Fi còn có nhiều tác hại khác nhưng cho tới nay chưa hề có một bằng chứng thuyết phục nào chứng minh điều đó”, giáo sư Sperrin cho biết.
Sóng radio và sóng bức xạ đã trở thành một phần trong cuộc sống của loài người.
Kết quả nghiên cứu
Từ hàng thế kỷ nay sóng radio và sóng bức xạ đã trở thành một phần trong cuộc sống của loài người. Nếu chúng có gây ra bất kỳ tác động xấu nào thì có lẽ giờ đây mọi người đã đều biết đến. Chúng sẽ được ghi nhận và nghiên cứu đầy đủ.
Giáo sư Sperrin cho biết thếm: “Công việc nghiên cứu về sóng radio hiện vẫn đang tiếp tục được thực hiện tại rất nhiều nước. Các bằng chứng đều cho thấy sóng Wi-Fi ở một ngưỡng cho phép và không hề gây hại cho sức khoẻ con người”.
Giáo sư Olle Johansson của Viện nghiên cứu Karolinska (Thuỵ Điển) khẳng định ông có những bằng chứng cho thấy sóng radio cường độ thấp có tác động không tốt tới nhiễm sắc thể của con người.
Giáo sư Henry Lai của trường ĐH Washington cũng khẳng định với chương trình Panorama rằng ông đã phát hiện được 4 ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ con người dưới ảnh hưởng của sóng radio.
Trong khoảng 30 năm trở lại đây đã có khoảng 2 đến 3 nghìn nghiên cứu về sóng radio được tiến hành. Kết quả là 50% cho rằng không có bằng chứng về các tác hại và 50% cho rằng có.
Nhưng giáo sư Will J Stewart của Viện hàn lâm kỹ thuật hoàng gia Anh cho biết: “Khoa học đã nghiên cứu về sự an toàn của ĐTDĐ từ nhiều năm nay và hầu hết đều cho rằng chưa thấy có dấu hiệu tác hại nào đáng kể”.
Không có tác hại
Nhưng không phải mọi thiết bị phát ra sóng radio điện từ là hoàn toàn vô hại. Ví dụ ánh sáng mặt trời đôi khi còn gây ra bệnh ung thư da. Chính vì thế khi mà bạn sử dụng máy tính xách tay đừng nên để trên đùi trong thời gian dài mà nên có đệm kê.
Giáo sư Sperrin khẳng định khó khăn trong công việc nghiên cứu sóng Wi-Fi chính là hiện nay chưa thể chứng minh tác hại của loại sóng này. “Khó có thể chứng minh được thứ không hề có tác động xấu nào. Sóng Wi-Fi chỉ có thể bị loại bỏ khi nào nó được chứng minh là có hại”.