Xơ gan là một bệnh lý mạn tính đòi hỏi sự quản lý đặc biệt trong chế độ ăn uống. Vì thế, việc xây dựng một thực đơn cho người bị xơ gan khoa học không chỉ giúp làm giảm gánh nặng lên gan, mà còn hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Ngay trong bài viết sau, các chuyên gia tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách chọn lựa những món ăn tốt cho người bị xơ gan; từ đó, giúp bạn nhanh chóng cải thiện chức năng gan và rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người bị xơ gan
Xơ gan là tình trạng gan bị tổn thương nghiêm trọng, kéo dài, khiến mô gan bị xơ hóa, để lại sẹo và đe dọa đến sự toàn vẹn của chức năng gan. Với người bệnh xơ gan, cơ thể thường có xu hướng dễ đào thải dưỡng chất (dị hóa) hơn là hấp thụ dinh dưỡng và tái tạo tế bào mới. Do đó, để người bệnh không bị suy nhược cơ thể hoặc tình trạng xơ gan không trở nên trầm trọng hơn, thực đơn cho người xơ gan cần đáp ứng 7 nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng sau:
1. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng
Thực đơn cho người bệnh xơ gan cần cung cấp đủ nước, năng lượng, chất đường bột (carbohydrates), chất đạm (protein), chất béo (lipid) và chất xơ cho cơ thể. Bởi lẽ, xơ gan là một bệnh lý dễ khiến người bệnh chán ăn (biếng ăn), ăn mất ngon, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Nếu tiếp tục ăn uống kiêng khem, không đáp ứng cả về số lượng và chất lượng trong khẩu phần ăn, người bệnh gần như chắc chắn sẽ bị mất nước, sụt cân và mắc chứng Suy dinh dưỡng protein – năng lượng (PEU).
Thực tế cho thấy, có đến 65 – 90% bệnh nhân xơ gan bị mắc chứng suy dinh dưỡng PEU. Vì thế, khuyến nghị về cơ cấu khẩu phần trong thực đơn cho người xơ gan nên được tuân thủ theo nguyên tắc sau:
Cơ cấu khẩu phần Xơ gan thông thường Xơ gan có biến chứng cổ trướng và phù nề Năng lượng 25 – 35 calo / kg cơ thể / ngày Nước 1.5 – 2 lít nước / ngày 1 – 1.5 lít nước / ngày Chất đường bột 300 – 400g / ngày hoặc tối thiểu là 60% tổng năng lượng trong khẩu phần ăn để giảm thiểu tối đa tổn thương gan Chất đạm 1.2 – 1.5g / kg cơ thể / ngày 0.8 – 1g / kg cơ thể / ngày Chất béo Ít nhất 20g / ngày hoặc 25 – 40% tổng năng lượng trong khẩu phần ăn Chất xơ 25 – 35g chất xơ / ngày (320 gam rau xanh và 240 gam trái cây mỗi ngày)
2. Hạn chế các món chiên xào nhiều dầu mỡ
Người bệnh xơ gan cần hạn chế món chiên xào nhiều dầu mỡ vì gan là cơ quan chính trong việc xử lý và chuyển hóa chất béo. Khi gan bị xơ, khả năng làm việc của nó giảm sút, việc tiết mật để tiêu hóa chất béo cũng trở nên kém hiệu quả. Trong khi đó, món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ lại chứa hàm lượng chất béo cao, khiến cho gan phải làm việc nhiều hơn, có thể gây áp lực và làm tổn thương thêm tế bào gan.
3. Hạn chế món ăn mặn, thực phẩm đóng hộp
Người bệnh xơ gan cần hạn chế món ăn mặn và thực phẩm đóng hộp vì muối có thể gây tích nước quá mức trong cơ thể, làm tăng nguy cơ khởi phát biến chứng cổ trướng (phù nề). Bên cạnh muối, thực phẩm đóng hộp thường còn chứa lượng chất bảo quản cao, khiến gan phải hoạt động “quá tải” để chuyển hóa. Vì thế, hạn chế những thực phẩm này giúp bảo vệ chức năng gan, ngăn không cho tình trạng xơ gan tiến triển nặng hơn.
4. Tránh các món nhiều đường, chất tạo ngọt
Người bệnh xơ gan cần tránh các món nhiều đường và chất tạo ngọt vì gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa đường. Khi gan bị xơ, khả năng chuyển hóa đường này bị suy giảm. Tiêu thụ nhiều đường và chất tạo ngọt có thể tăng nồng độ glucose trong máu, làm tăng nguy cơ tiểu đường, gan nhiễm mỡ, thừa cân – béo phì và suy gan. Vì thế, hạn chế đường giúp bảo vệ chức năng gan và làm chậm tiến trình xơ hóa của gan.
5. Tuyệt đối tránh thịt và hải sản chưa nấu chín
Người bệnh xơ gan cần tuyệt đối tránh thịt và hải sản chưa nấu chín vì hệ miễn dịch của người bệnh lúc này đã suy yếu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khi ăn phải các loại vi khuẩn, virus, và ký sinh trùng chứa trong thực phẩm sống, đặc biệt là vi khuẩn Vibrio trong hải sản, hoặc khuẩn Listeria, Salmonella và Toxoplasma chứa trong thịt gia súc – gia cầm. Vì thế, thực hiện ăn chín uống sôi từ lâu đã trở thành một nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng trong thực đơn cho người bị xơ gan mà người bệnh nên tuyệt đối tuân thủ.
6. Khẩu phần nhỏ, không ăn quá no
Người bệnh xơ gan cần ăn khẩu phần nhỏ và không nên ăn quá no vì gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và chuyển hóa dinh dưỡng. Khi gan bị xơ, chức năng chuyển hóa dinh dưỡng của nó giảm sút, làm cho việc xử lý thức ăn trở nên khó khăn hơn. Ăn khẩu phần nhỏ giúp giảm áp lực lên gan, cho phép gan hoạt động hiệu quả hơn, cải thiện được mức độ hấp thụ dưỡng chất trong cơ thể; cũng như giúp người bệnh duy trì được một nguồn năng lượng dồi dào suốt cả ngày, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
7. Ưu tiên các món ăn dễ tiêu hóa
Nghiên cứu cho thấy, quá trình vận chuyển ruột non bị trì hoãn trong bệnh xơ gan có thể dẫn đến các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng và tiêu chảy. Tuy nhiên, ở những người bệnh xơ gan có kèm theo biến chứng suy gan, sự tích tụ lâu ngày của các chất cặn bã trong cơ thể có thể dẫn đến đầy hơi và táo bón. Do đó, thực đơn cho người bị xơ gan cần ưu tiên lựa chọn món ăn dễ tiêu hóa, có kết cấu mềm, chứa nhiều nước và chất xơ để nhuận tràng, chẳng hạn như: các món cháo, súp, canh hầm, rau luộc, phở, bún, miến, hoành thánh,…
Thực đơn cho người bị xơ gan bao gồm những thực phẩm nào?
Thực đơn cho người bị xơ gan cần ưu tiên tiêu thụ giàu đạm, chất xơ, tinh bột phức hợp cùng vitamin và khoáng chất. Ngược lại, người bệnh nên hạn chế những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, muối, đường, chất bảo quản và các chất kích thích khác. Cụ thể:
1. Các loại thực phẩm nên ăn
Những món ăn tốt cho người bị xơ gan nên chứa những loại nguyên liệu sau:
- Rau xanh: Hầu hết các loại rau lá xanh, như cải bắp, cải xoăn, rau muống, cải bó xôi, cải thìa, bông cải xanh,… đều chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ, giúp giảm viêm nhiễm và tăng cường chức năng gan.
- Trái cây: Chọn trái cây giàu chất chống oxy hóa như dứa, táo, lê, dưa hấu, cam và các loại quả mọng (việt quất, mâm xôi, dâu tây). Hạn chế tiêu thụ các loại trái cây có hàm lượng đường cao như: vải, nhãn, đào, sung, dưa lưới,…
- Nguồn đạm lành mạnh: Bao gồm thịt gia cầm bỏ da (gà, vịt,…), trứng gia cầm, cá béo (cá ngừ, cá hồi, cá thu,…), thủy hải sản giáp xác (tôm, cua, mực) và các loại đậu (đậu nành, đậu đen, đậu đỏ,…).
- Tinh bột phức hợp: Chứa nhiều trong gạo lứt, lúa mạch, yến mạch, lúa mì nguyên cám, ngô, các loại khoai (khoai lang, khoai mì,…), hạt, đậu, củ quả (cà rốt, bí đỏ, ớt chuông,…).
- Chất béo lành mạnh: Ưu tiên chọn các loại chất béo không bão hòa (omega-3, 6, 9) chứa trong dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu ô-liu,…);
- Thực vật có tính kháng viêm và tăng cường miễn dịch: Tỏi, gừng, nghệ, rau diếp cá, lá tía tô, sả, nước ép cam,…
2. Các loại thực phẩm nên tránh
Thực đơn cho người bị xơ gan cần tuyệt đối tránh tiêu thụ các loại thực phẩm sau:
- Thủy sản có vỏ: Nghêu, sò, ốc, hến;
- Thực phẩm sống: Phở tái, trứng lòng đào, sushi, sashimi, gỏi hải sản sống, v.vv…
- Thực phẩm lên men: Dưa cải bắp, dưa chua,…
- Thực phẩm chứa gia vị cầu kỳ: Sốt bbq, sốt bò kho, sốt thịt nướng,…
- Thực phẩm chế biến sẵn: Đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, xúc xích, thịt xông khói, thực phẩm đóng hộp (thịt, súp, rau) và thực phẩm đông lạnh;
- Thực phẩm nhiều chất béo bão hòa: Thịt đỏ, sữa nguyên kem, sốt mayonnaise,…
- Thực phẩm nhiều đường: Bỏng ngô, bánh kẹo ngọt, nước giải khát chứa đường, ngũ cốc tinh chế (gạo trắng, phở, bún, miến, bánh mì,…);
- Thực phẩm nhiều muối: Cá khô ướp muối, rau củ muối chua, thịt xông khói, bột nêm, bột ngọt, các loại đậu sấy khô tẩm muối;
- Sữa và các chế phẩm từ sữa nguyên kem: Phô mai tươi, bánh pudding, bánh tart, bánh bông lan và sữa chua làm từ sữa nguyên kem,…
- Thực phẩm chứa chất kích thích: Rượu bia, trà, cà phê và nước giải khát chứa caffeine.
Thực đơn những món ăn tốt cho người bị xơ gan
Người bệnh xơ gan phần lớn đều bị hạn chế hấp thụ dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa và mất cảm giác thèm ăn. Do đó, việc lựa chọn những món ăn vừa giàu dinh dưỡng, vừa dễ tiêu hóa như các món hấp, luộc, súp, cháo, canh rau củ,… trở thành một sự lựa chọn tối ưu cho người bệnh. Cụ thể:
1. Các món súp, cháo tốt cho người xơ gan
- Súp chân giò hầm hạt sen: Súp nấu từ chân giò cung cấp nhiều collagen và gelatin, giúp bảo vệ và tái tạo các tế bào gan. Trong khi đó, hạt sen giàu chất xơ và tinh bột phức hợp, giúp người bệnh ngăn ngừa gan nhiễm mỡ và làm chậm tiến trình xơ gan.
- Súp cua trứng: Trứng chứa nhiều vitamin A, D, E, K, choline trong khi thịt cua lại giàu omega-3 và đạm. Nhờ đó, ăn súp cua giúp người bệnh xơ gan nâng cao sức khỏe toàn diện và bảo vệ gan hiệu quả.
- Cháo gạo tẻ cá: Cháo cá là một món cháo được nấu cùng với cá, thường là cá trắm, cá diêu hồng hoặc cá lóc. Cá chứa nhiều protein và axit béo omega-3, có tác dụng kháng viêm và ngăn chặn xơ hóa. Trong khi đó, cháo nấu từ gạo tẻ lại chứa nhiều folate từ gạo, giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) và cải thiện mức độ xơ hóa tại gan.
- Cháo gạo lứt gà luộc: Thịt gà cung cấp nhiều axit amin để gan phục hồi. Trong khi đó, gạo lứt lại giàu chất xơ, giúp người bệnh nhuận tràng và hạn chế triệu chứng táo bón trong khi điều trị xơ gan.
2. Các món canh rau củ tốt cho bệnh xơ gan
- Canh rau đay: Canh rau đay giàu chất xơ pectin. Nhờ đó, ăn canh rau đay giúp cơ thể hạn chế hấp thụ cholesterol, hỗ trợ thanh lọc gan và cải thiện tình trạng xơ gan.
- Canh cải bó xôi: Cải bó xôi chứa nhiều vitamin nhóm B và C, giúp tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe tổng thể và hỗ trợ gan chuyển hóa dinh dưỡng tốt hơn.
- Canh bí đỏ: Canh bí đỏ cung cấp nhiều beta-carotene – một chất chống oxy hóa thuộc nhóm carotenoids giúp bảo vệ gan trước sự tấn công của gốc tự do, làm chậm tiến trình xơ hóa tại gan.
- Canh mướp nón tôm: Mướp giàu chất xơ không hòa tan, hỗ trợ ngăn ngừa táo bón, còn tôm cung cấp nhiều protein và axit béo omega-3, hỗ trợ kháng viêm và bảo vệ gan không bị xơ hóa.
3. Các món chính tốt cho người bị xơ gan
- Cá hấp gừng: Cá chứa nhiều đạm và omega-3, giúp gan tự chữa lành, từ đó làm chậm tiến trình xơ hóa. Trong khi đó, gừng lại chứa nhiều hợp chất gingerol, giúp kích thích tiêu hóa, giảm viêm và chống oxy hóa. Vì thế, cá hấp gừng nhất định là một món ăn không thể thiếu trong thực đơn cho người bị xơ gan.
- Thịt bò xào hành tây: Thịt bò giàu protein và vitamin B1, B2, B3, B6, B12,… hỗ trợ gan chuyển hóa dinh dưỡng và tái tạo các mô bị tổn thương. Trong khi đó, hành tây lại giàu chất xơ, có hương vị thơm nồng, giúp món ăn trở nên hấp dẫn và dễ tiêu hóa hơn.
- Tôm rang me: Tôm rang me là một món chính lý tưởng trong thực đơn cho người bị xơ gan. Trong khi tôm giàu protein và axit béo omega-3, thì me lại là nguồn vitamin C dồi dào, giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm thiểu tình trạng xơ hóa quá mức tại gan.
- Rau muống xào tỏi với thịt bò: Rau muống không chỉ cung cấp nhiều vitamin A, C, E mà còn giúp nhuận tràng và cải thiện khả năng hấp thụ dưỡng chất của cơ thể. Trong khi đó, tỏi chứa nhiều allicin – một hợp chất chống oxy hóa được chứng minh có công dụng làm giảm đáng kể hàm lượng chất béo trung tính, cholesterol, men ALT và men AST ở gan; giúp ức chế tiến trình xơ hóa theo nhiều cách khác nhau.
4. Các món tráng miệng tốt cho bệnh xơ gan
- Chè đậu xanh: Chè đậu xanh thường được làm từ đậu xanh, nước, bột bắp và chút đường. Đậu xanh là một nguồn protein thực vật tốt và cung cấp nhiều chất xơ, giúp hỗ trợ tiêu hóa và bảo vệ gan. Tuy nhiên, bạn nên chế biến món này với lượng đường tối thiểu (không quá 5g / 100ml chè) sẽ tốt cho người xơ gan.
- Chè bắp: Chè bắp thường được làm từ ngô bào, đậu xanh, bột bắp và ít đường. Ngô cung cấp nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa carotenoids và vitamin B, giúp hỗ trợ chức năng gan. Tuy nhiên, tương tự như chè đậu xanh, bạn cũng nên chế biến món này với ít đường để hạn chế thúc đẩy tình trạng xơ gan tiến triển nhanh hơn.
- Bánh dừa hấp: Bánh dừa thường được làm từ bột gạo, cơm dừa xay nhuyễn và ít đường. Cơm dừa có hàm lượng chất trung tính (triglyceride) cao, có thể được cơ thể tiêu hóa và hấp thụ tốt ngay cả khi gan không tiết đủ mật. Nhờ đó, tiêu thụ thực phẩm có chứa thành phần từ dừa được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm thiểu tình trạng kém hấp thu chất béo ở người bệnh xơ gan.
- Bánh chuối hấp: Bánh này được làm từ chuối chín, bột gạo và ít đường. Chuối là một nguồn kali dồi dào, hỗ trợ ngăn biến chứng phù nề ở người bệnh xơ gan. Mặt khác, chuối cũng giàu chất xơ và vitamin C, giúp người bệnh nhuận tràng và cải thiện tình trạng xơ hóa gan hiệu quả.
Công thức món ăn cho người xơ gan
Để giúp người bệnh xơ gan tìm lại sự hứng thú trong việc ăn uống, dưới đây là danh sách 10 công thức món ăn vừa dễ nấu, vừa ngon miệng, được nhiều chuyên gia tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome khuyến nghị đưa vào thực đơn cho người bị xơ gan:
1. Cơm gạo lứt ức gà nướng mật ong
Nguyên liệu: 210g ức gà bỏ da, 1 chén (55g) gạo lứt, 60g nấm đông cô và 80g măng tây, 10ml dầu ô-liu.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa gà sạch, lau khô và thái ức gà thành từng miếng dễ ăn.
- Bước 2: Ướp ức gà với tiêu, muối, tỏi băm, 5ml dầu ô -liu trong 20 phút cho gà thấm gia vị rồi đem nướng 20 phút ở nhiệt độ 175 độ C.
- Bước 3: Trong lúc đợi gà chín thì bạn vo gạo và tiến hành nấu chín 55g gạo lứt.
- Bước 4: Mở lò nướng, phết gà với 1 lớp mật ong và tiếp tục nướng thêm 5 phút ở nhiệt độ 170 độ C.
- Bước 5: Trong lúc đợi gà chín thì bạn tiến hành áp chảo măng tây và nấm đông cô với 5ml dầu ô-liu còn lại trên lửa lớn.
- Bước 6: Trình bày gạo lứt, gà nướng cùng với măng tây và nấm lên đĩa.
2. Salad ức gà rau củ xốt mè rang
Nguyên liệu: 215g nạc ức gà bỏ da, nửa trái cơ cỡ vừa, 45g bắp cải cầu vồng, 45g giá đậu xanh, 30g hạt mè (vừng), 45g cà rốt, 45g đậu bắp, nửa trái ớt chuông, 45g cải mầm, 2g muối, 5ml dầu hạt mè.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Đun sôi nước rồi nấu chín ức gà, sau đó xé thành mảnh nhỏ.
- Bước 2: Sơ chế rau củ quả:
- Cắt nhỏ bơ và ớt chuông thành hạt lựu;
- Cà rốt cần được bào mỏng hoặc thái sợi nhuyễn dễ ăn;
- Bắp cải cầu vồng (tím) bào sợi vừa ăn;
- Đậu bắp cần được ngâm nước 5 phút cho mềm, sau đó luộc trong nước sôi 5 phút tới khi vừa chín.
- Bước 3: Làm nước sốt:
- Rang hai muỗng canh hạt mè trong chảo cho thơm và vàng, sau đó giã nhỏ;
- Hòa hạt mè rang cùng hai muỗng canh Mayonnaise, 5g đường tinh chế, 5ml giấm, 5ml nước tương và 5ml dầu hạt mè.
- Bước 4: Cho tất cả rau củ vào tô, rưới nước sốt mè lên trên, trộn đều và cuối cùng là xếp từng lát ức gà lên trên bề mặt.
3. Súp cải bó xôi
Nguyên liệu: 200g cải bó xôi, 1 củ cà rốt, nửa củ hành tây, 100g thịt nạc xay, 800ml nước dùng, 30g bột năng cùng 5ml dầu ô-liu, muối, tiêu, đường vừa đủ.
Cách làm:
- Bước 1: Rửa sạch cải bó xôi, thái nhỏ. Cà rốt bào vỏ, thái hạt lựu. Hành tây, tỏi băm nhỏ.
- Bước 2: Đun nóng dầu ô-liu trên chảo, phi thơm hành tây, tỏi, thêm thịt xay vào xào chín.
- Bước 3: Thêm cà rốt vào xào 2 phút, sau đó đổ nước dùng vào, đun sôi.
- Bước 4: Khi nước dùng đã sôi, thêm cải bó xôi, nêm muối, tiêu, đường.
- Bước 5: Trong một tô nhỏ, pha bột năng với một ít nước lạnh. Đồ từ từ đổ hỗn hợp bột năng vào, khuấy đều và tiếp tục đun sôi thêm 5 phút đến khi súp sánh lại thì tắt bếp.
4. Cơm trứng cuộn sốt nấm
Nguyên liệu: 3 quả trứng gà, 1 chén cơm trắng, 100g nấm đông cô, 15ml sốt teriyaki, 2 cây hành lá cùng 10ml dầu ô-liu, muối, tiêu, đường vừa đủ,
Cách làm:
- Bước 1: Rửa sạch, thái lát nấm và hành lá.
- Bước 2: Hành lá thái nhỏ. Trộn cơm với hành lá.
- Bước 3: Đánh trứng, thêm muối, tiêu, đường và đánh đều.
- Bước 4: Đun nóng 5ml dầu ô-liu trên chảo, đổ một phần trứng vào, chờ trứng đông thành mảng thì cho cơm lên trên và dùng đũa cuộn lại.
- Bước 5: Trên 1 chiếc chảo khác, thêm 5ml dầu ô-liu và xào nấm. Khi nấm vừa săn lại thì thêm sốt Teriyaki, đun chừng 2 phút thì tắt bếp.
- Bước 6: Xắn cuộn cơm trứng ra thành từng khúc và đổ sốt nấm lên trên.
5. Bò cuộn măng tây
Nguyên liệu: 300g thịt bò nạc, 200g măng tây, 10g tỏi băm, 30ml sốt teriyaki hoặc nước tương, 30ml mật ong cùng 15ml dầu ô-liu, muối, tiêu, đường vừa đủ.
Cách làm:
- Bước 1: Rửa sạch măng tây, luộc sơ qua nước sôi, sau đó rửa lại bằng nước lạnh.
- Bước 2: Thoa muối, tiêu lên từng miếng thịt bò. Đặt vài cây măng tây lên mỗi miếng thịt và cuộn chặt lại.
- Bước 3: Trên chảo, đun nóng dầu ô liu, thêm tỏi băm và xào thơm. Đặt bò cuộn vào chảo, áp chảo cho đến khi thịt bò chín tới, mặt ngoài giòn, mặt trong chín đều.
- Bước 4: Trước khi tắt bếp, thêm sốt Teriyaki (hoặc hỗn hợp nước tương, mật ong) vào chảo, đảo đều hoặc có thể để nước sốt riêng để chấm khi ăn.
- Bước 5: Múc bò cuộn măng tây ra đĩa, thưởng thức khi còn nóng.
6. Nui bò cải xanh
Nguyên liệu: 200g nuôi, 120g thịt nạc bò, 100g cải xanh, 2 tép tỏi băm, 15ml nước tương, 15ml dầu ô-liu cùng muối, tiêu, đường vừa đủ.
Cách làm:
- Bước 1: Luộc nui trong 7 phút với nước sôi, sau đó vớt ráo, để nguội và trộn với 5ml dầu ô-liu để nuôi không dính vào nhau.
- Bước 2: Thịt bò thái mỏng, ướp với tỏi băm, muối, tiêu, đường và 10ml nước tương khoảng 15 phút.
- Bước 3: Cải xanh rửa sạch, thái nhỏ.
- Bước 4: Đun nóng 10ml dầu ô-liu trên chảo, thêm cải xanh vào xào. Khi bông cải xanh vừa chín tới thì cho hết phần thịt bò vào chảo, đảo nhanh tay để thịt chín đều.
- Bước 5: Thêm nui vào chảo, xào đều trong 3 phút, có thể nêm thêm ít gia vị nếu cần.
- Bước 6: Múc ra đĩa và thưởng thức nui xào bò cải xanh nóng hổi.
7. Nước ép cần tây, cải bó xôi, dưa leo
Nguyên liệu: 2 cây cần tây, 1 bó nhỏ (40g) cải bó xôi, 1 trái dưa leo, 1 muỗng canh mật ong.
Cách làm:
- Bước 1: Sơ chế rau củ quả:
- Rửa sạch cần tây, cải bó xôi, và dưa leo.
- Cắt bỏ đuôi và đầu của cần tây.
- Cắt dưa leo làm đôi dọc theo chiều dài.
- Cắt khúc cải bó xôi và cắt nhỏ cần tây, dưa leo thành từng khúc vừa phải để đưa vào máy ép dễ dàng hơn.
- Bước 2: Cho tất cả nguyên liệu vào máy ép trái cây.
- Bước 3: Thêm nước cốt chanh vào nước ép. Nếu thích ngọt, có thể thêm tối đa 5ml mật ong cho mỗi 100ml nước ép.
- Bước 4: Khuấy đều, sau đó rót nước ép vào ly. Thưởng thức ngay khi còn tươi ngon.
Lưu ý: Bạn nên uống nước rau củ ngay sau khi ép để giữ trọn vẹn được vitamin và dưỡng chất.
8. Cá hồi áp chảo sốt chanh
Nguyên liệu: 200g cá hồi (2 miếng), 1 quả chanh, 15g bơ thực vật, 5ml dầu ô-liu, 2 tép tỏi cùng muối, tiêu, đường vừa đủ.
Cách làm:
- Bước 1: Ướp cá hồi với muối, tiêu và nước cốt từ 1/2 quả chanh trong khoảng 15 phút.
- Bước 2: Đun nóng 5ml dầu ô-liu trên chảo, tiến hành áp chảo cá hồi khoảng 4 phút mỗi bên cho đến khi chín tới thì tắt bếp.
- Bước 3: Trong một chiếc chảo nhỏ khác, đun chảy 15g bơ thực vật, thêm tỏi băm, xào thơm. Khi tỏi vừa chuyển vàng nhạt, thêm nước cốt từ nửa quả chanh còn lại và đun sôi.
- Bước 4: Đổ sốt chanh tỏi lên cá hồi. Múc cá hồi ra đĩa, thưởng thức món ăn khi còn nóng.
9. Cơm gạo lứt xá xíu
Nguyên liệu: 200g thịt nạc heo, 1 chén gạo lứt, hành lá, 10ml dầu hào, 5ml dầu ô-liu, 50ml nước dừa, đường, muối, tiêu, tỏi băm, bột gia vị xá xíu, nước mắm và nước tương.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa sạch gạo lứt, ngâm trong nước khoảng 2-3 giờ. Sau đó, vào nồi cơm điện nấu như bình thường.
- Bước 2: Thịt xá xíu rửa sạch, thái lát mỏng. Tiếp theo, ướp thịt với gia vị như dầu hào, đường, tỏi băm nhuyễn, bột xá xíu, tiêu, muối, nước mắm và nước tương. Sau đó, đậy kín tô và để thịt ướp trong tủ lạnh ít nhất 2-3 giờ, tốt nhất là qua đêm để thịt hấp thụ hương vị.
- Bước 3: Nướng thịt trong lò khoảng 15-20 phút ở nhiệt độ 180 độ C. Khi thịt có màu vàng óng đặc trưng và lớp nước sốt đỏ đẹp, thì nghĩa là thịt xá xíu đã chín.
- Bước 4: Bới cơm gạo lứt ra chén và ăn cùng xá xíu.
10. Cháo thịt bằm rau củ
Nguyên liệu: 100g thịt nạc heo bằm, 1 củ hành tím, 1 củ cà rốt, 1/2 củ cải trắng, 100g gạo nếp, muối, tiêu, 5ml dầu ô-liu.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Cà rốt và củ cải trắng rửa sạch, gọt vỏ và thái hạt lựu.
- Bước 2: Trộn thịt heo bằm với hành tím và gia vị ướp thịt.
- Bước 3: Đun sôi 1.5 lít nước, thả gạo nếp vào nấu trong 15-20 phút cho đến khi chín.
- Bước 4: Đun nóng dầu ô-liu, cho thịt vào xào chín, thêm rau củ vào xào thêm vài phút cho chín mềm.
- Bước 5: Khi cháo đã chín, thêm thịt và rau củ vào nồi cháo, khuấy đều.
- Bước 6: Nấu cháo thêm 10 phút, nêm muối, tiêu, đường theo khẩu vị, khuấy đều rồi tắt bếp.
Thực đơn mỗi ngày cho người bệnh xơ gan tham khảo
Thực đơn mỗi ngày cho người bệnh xơ gan có thể được chia thành 4 cữ, 5 cữ hoặc 6 cữ ăn tùy theo nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh. Cụ thể:
1. Thực đơn 4 cữ / ngày (1550 – 1750 calo / ngày)
- Bữa sáng (7h00): 500ml cháo cá lóc (35g cháo, 35g nạc cá lóc, 4ml dầu ô-liu).
- Bữa trưa (11h00): 2 bát cơm vừa (120g), 120g mực dồn thịt hấp, 100g bí và 100g cà rốt luộc nhừ.
- Bữa xế (14h00): 180ml nước ép bưởi với 10g đường.
- Bữa tối (17h00): 2 bát cơm vừa (120g), 40g thịt cốt lết rim, 220g cải thìa luộc.
2. Thực đơn 5 cữ / ngày (1750 – 1850 calo / ngày)
- Bữa sáng (7h00): 75g bánh phở tươi, 30g thịt bò chín, rau thơm và 7ml nước béo.
- Bữa phụ 1 (9h00): 180ml nước ép lê với 10g đường.
- Bữa trưa (11h30): 2 bát cơm đầy (130g), 115g cá chép chưng tương đậu nành, 200g rau muống luộc.
- Bữa phụ 2 (14h30): 75g chè đậu xanh (15g đường).
- Bữa tối (17h30): 2 bát cơm đầy (130g), 40g bò xào tỏi với 8ml dầu ô-liu, 220g bắp cải luộc.
3. Thực đơn 6 cử / ngày (1850 – 2050 calo / ngày)
- Bữa sáng (7h00): Bún bò Huế (90g bún tươi, 30g bò nạm)
- Bữa phụ 1 (9h00): 150g chuối.
- Bữa trưa (11h30): 2 bát cơm đầy (130g), 110g tôm sú hấp nước dừa, 30g chả cá thác lác hấp, 210g cải bó xôi luộc nhừ.
- Bữa phụ 2 (15h00): 110g khoai lang hoặc khoai mì luộc.
- Bữa tối (17h30): 2 bát cơm đầy (130g), 45g gà xào sả ớt, 100g đậu que luộc, 200g rau củ luộc thập cẩm.
- Bữa phụ 3 (20h00): 190 – 210ml sữa công thức giàu đạm hoặc sữa dành riêng cho người xơ gan.
Địa chỉ thiết kế thực đơn tốt cho người bị xơ gan cá nhân hóa
Thiết kế thực đơn cho người bị xơ gan không phải là một việc làm dễ dàng. Để có thể xây dựng được một chế độ dinh dưỡng khoa học với thực đơn dinh dưỡng đa dạng cho người bệnh xơ gan, bạn nhất định cần tìm đến những cơ sở y tế hoặc trung tâm dinh dưỡng uy tín, và Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome chính là một trong những địa chỉ thăm khám lý tưởng mà bạn đang tìm kiếm.
Tại Nutrihome, chúng tôi tự hào là một trong những phòng khám hàng đầu tại Việt Nam chuyên thăm khám, tư vấn dinh dưỡng và tối ưu hóa thực đơn cho người bị xơ gan. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm, khi đến thăm khám tại Nutrihome, bạn sẽ được tư vấn xây dựng thực đơn ăn uống toàn diện theo ngày / tuần / tháng, cũng như được “cá nhân hóa” khẩu phần ăn theo sở thích cá nhân; từ đó kích thích nhu cầu ăn uống tự nhiên của cơ thể và nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh.
Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về chế độ dinh dưỡng và thực đơn cho người bị xơ gan. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã biết được đâu là những món ăn tốt cho người bị xơ gan để kịp thời bổ sung vào khẩu phần ăn của mình. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong quá trình xây dựng thực đơn và tìm kiếm món ăn cho người xơ gan, hãy liên hệ ngày đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn kịp thời. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe!