Uống nước chanh ấm hay nước chanh pha mật ong vào buổi sáng không còn là phương pháp mới lạ đối với nhiều người, thậm chí có thời gian chị em còn rộ lên trào lưu uống loại nước này để giảm cân. Tuy nhiên, dưới góc nhìn về khoa học và y học cổ truyền, các chuyên gia đều cho rằng việc uống loại nước này nếu không đúng cách sẽ gây hệ lụy đối với sức khỏe.
Dưới góc nhìn Đông y
Theo TS. Lương y Phùng Tuấn Giang – Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, việc uống nước chanh ấm giúp tăng lượng nước, chất chống ô xy hóa và vitamin C cho cơ thể. Sử dụng loại nước này giúp giải độc, kiềm hóa cơ thể, tăng miễn dịch…
Theo quan niệm của Đông y, việc uống nước chanh buổi sáng có tác dụng nhất định với cơ thể. (Ảnh minh họa)
Không chỉ nước chanh ấm, nếu có điều kiện kết hợp giữa chanh và mật ong sẽ rất tốt cho cơ thể. Lương y Phùng Tuấn Giang hướng dẫn, có thể pha nước chanh với mật ong nguyên chất cùng nước ấm để uống. Hoặc có thể ngâm chanh cắt lát còn vỏ cùng mật ong, sau đó lấy ra uống cũng rất tốt. Với cách làm này, người uống còn nhận được thêm những công dụng từ vỏ chanh như: Giảm sự đầy trướng bụng, chống nôn mửa, trị đờm.
Ông Giang cũng khuyến cáo, nên duy trì việc uống một cốc chanh ấm vào mỗi sáng thức dậy, trước khi ăn sáng. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng nước chanh ấm làm thức uống giải khát thay cho những thức uống béo ngọt, có hại khác như: Nước ngọt có ga, trà sữa, cà phê sữa, sữa nguyên kem… Tuy nhiên, với một số người có bệnh lý liên quan đến dạ dày, lương y Phùng Tuấn Giang khuyên không nên sử dụng nước chanh vì nó làm tình trạng nặng thêm.
Dưới góc nhìn về dinh dưỡng – tiêu hóa
Trước tình trạng nhiều người áp dụng việc uống nước chanh ấm hoặc chanh mật ong vào buổi sáng để thanh lọc cơ thể, giảm cân… các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng đây là phương pháp dễ gây hại hơn có lợi cho người sử dụng.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, đây chỉ là cách mà mọi người truyền tai nhau, không được khoa học chứng minh, vì thế không nên sử dụng tùy tiện.
Dưới góc nhìn dinh dưỡng và tiêu hóa, dù là nước chanh ấm hay chanh mật ong uống vào buổi sáng khi bụng đói là không tốt. (Ảnh minh họa)
Đứng về mặt dinh dưỡng, việc pha mật ong với chanh uống với mục đích thanh lọc cơ thể, giảm cân mà không ăn bữa sáng là không tốt. Bởi khi đó tổng năng lượng nạp vào cơ thể trong ngày không đảm bảo, từ đó sẽ không đủ sức khỏe làm việc, dễ gây hệ lụy với sức khỏe nếu áp dụng trong thời gian dài. Do vậy, dù với mục đích gì mọi người cũng không nên uống nước chanh ấm vào buổi sáng khi mới thức dậy, chỉ nên uống sau khi đã ăn sáng sau 30 phút.
Dưới góc nhìn tiêu hóa, TS.BS Đặng Quốc Ái – Phó khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện E) cũng phản đối việc uống nước chanh hay uống nước chanh pha mật ong vào buổi sáng khi chưa ăn gì. Theo phân tích của bác sĩ Ái, nước chanh có vị chua, có tính axít, dịch vị dạ dày cũng có tính axít, việc uống nước chanh vào để dung hòa dịch vị axít trong dạ dày là “ngược đời”, không khoa học.
Bác sĩ Ái cho rằng, buổi sáng thức dậy dịch axít trong dạ dày sẽ có nhiều hơn bình thường, nhất là khi bụng đang đói thì dịch a xít này càng đậm đặc. Khi đó, mọi người chỉ cần uống nước lọc vào sẽ làm loãng dịch axít trong dạ dày, giúp phòng đau dạ dày. Tuyệt đối không uống nước có tính a xít vào buổi sáng khi dạ dày còn trống rỗng, điều này sẽ ảnh hưởng đến dạ dày và hệ tiêu hóa. Việc uống nước chanh hay nước chanh pha mật ong là tùy sở thích mỗi người, nhưng tốt nhất nên uống khi đã được lót dạ.
Khi uống nước chanh, tuyệt đối không uống nước cốt đậm đặc. (Ảnh minh họa)
Uống nước chanh sao cho đúng
Không thể phủ nhận chanh có những tác dụng nhất định đối với cơ thể, nhất là cung cấp nước và vitamin C. Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Thị Lâm việc sử dụng đúng cách là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Dưới đây là một số đối tượng, thời điểm không nên dùng nước chanh:
– Không dùng khi đói bụng
Uống nước chanh khi đói sẽ ảnh hưởng không tốt đến dạ dày như khiến dạ dày bạn bị ăn mòn bởi axit, gây ra viêm, loét, thậm chí xuất huyết dạ dày. Vì thế, mọi người chỉ nên uống nước chanh sau khi đã ăn no khoảng 30 phút. Đặc biệt không uống nước chanh ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng.
– Người có bệnh dạ dày
Với những người có tiền sử bị viêm loét dạ dày, người bị ung thư dạ dày, bị trào ngược dạ dày không nên dùng chanh nói riêng và trái cây có tính a xít nói chung. Khi dùng, các triệu chứng của bệnh dạ dày sẽ càng tăng nặng hơn.
– Không uống nước cốt chanh
Việc dùng nước chanh cần phải được pha loãng, không uống nước cốt vì tính axít trong đó rất đậm đặc. Khi pha nước cốt chanh cũng không nên pha với nước quá nóng hoặc quá lạnh. Vì nó làm biến đổi vitamin và các chất có trong chanh.
Nên pha chanh với nước ấm vừa đủ, bằng với thân nhiệt của cơ thể, không ảnh hưởng đến dạ dày. Kể cả khi nước chanh đã pha loãng cũng không nên uống quá nhiều, như vậy dễ gây nên chứng ợ nóng, ợ chua và rối loạn điện giải cơ thể.