1. Mắc tiểu nhưng tiểu ít có phải là bệnh lý không?
Mắc tiểu nhưng tiểu ít hay còn gọi là tiểu rắt, là tình trạng dù rất buồn tiểu nhưng khi đi tiểu lại ra lượng nước tiểu rất ít. Thậm chí người bệnh có thể buồn tiểu nhưng lại chỉ ra vài giọt, dẫn tới việc đi tiểu nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng tới sinh hoạt và cuộc sống.
Đáng lưu ý, tình trạng này không chỉ gây bất tiện mà còn có thể là biểu hiện của một số bệnh lý liên quan đến thận nói riêng hay hệ tiết niệu nói chung. Việc thăm khám, điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe là rất cần thiết.
Mắc tiểu nhưng tiểu ít hay còn gọi là tiểu rắt
2. Triệu chứng của bệnh tiểu rắt
- Đi tiểu nhiều hơn số lần bình thường, ban ngày có thể hơn 7 lần và ban đêm là hơn 2 lần.
- Cảm giác buồn tiểu bất ngờ xuất hiện, rất khó nhịn nhưng khi đi tiểu lại ra rất ít, thậm chí là không có nước tiểu.
- Vừa đi tiểu xong lại tiếp tục buồn tiểu, rất khó nhịn.
- Nước tiểu đục màu, có bọt và thậm chí là có máu.
- Khi đi tiểu có thể cảm thấy đau rát và đau bụng dưới.
- Người bệnh có thể đối mặt với tình trạng bị sút cân, đau lưng, đau hông, thậm chí là bị sốt, nôn, mệt mỏi,…
3. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mắc tiểu nhưng tiểu ít
3.1. Do nhiễm trùng đường tiết niệu
Tình trạng tiểu rắt có thể cảnh báo nhiều loại bệnh nguy hiểm như viêm niệu đạo, viêm bàng quang hay thậm chí là viêm thận, bể thận,… Nguyên nhân thường do việc vệ sinh không sạch sẽ bộ phận sinh dục, thường xuyên nhịn tiểu tiện dẫn tới viêm nhiễm. Với trường hợp này, ngoài các triệu chứng đi tiểu nhiều lần, tiểu ít, người bệnh có thể sẽ còn cảm thấy đau buốt khi đi tiểu và nước tiểu có màu đục…
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tiểu rắt
3.2. Đường tiết niệu có sỏi hoặc có dị vật
Nếu đường tiết niệu có dị vật hoặc có sỏi thận, sỏi bàng quang, người bệnh cũng có thể bị tiểu ít, khó tiểu,… Các dị vật và sỏi sẽ chèn ép bàng quang, khiến việc đào thải nước tiểu không thể diễn ra thuận lợi.
3.3. Một số nguyên nhân khác
Ngoài ra, tiểu rắt còn do một số nguyên nhân như:
- Hội chứng bàng quang tăng hoạt
- Các khối u ở bàng quang, thận,…
- Hẹp niệu đạo do nhiễm bệnh lây qua đường tình dục, u xơ tiền liệt tuyến lành tính, viêm niệu đạo mạn tính,…
- Dây thần kinh điều khiển hoạt động của bàng quang có bất thường.
- Do các bệnh lý ở tuyến tiền liệt như viêm, ung thư hay phì đại tuyến tiền liệt,…
- Do sử dụng nhiều rượu bia, đồ uống có cồn hoặc ăn nhiều thực phẩm lợi tiểu,…
4. Những ai có nguy cơ mắc chứng tiểu rắt?
Tiểu rắt có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào, ở cả nữ giới và nam giới (nữ giới phổ biến hơn).
- Giới tính: Nữ giới dễ mắc chứng tiểu rắt khi mang thai, sau sinh con hoặc do việc làm những công việc nặng nhọc gây tăng áp lực ở ổ bụng.
- Tuổi tác: những người lớn tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nguyên nhân là do khi độ tuổi tăng cao, cơ quan bàng quang và niệu đạo sẽ yếu đi, dẫn tới tình trạng lượng nước tiểu chứa được ít đi và tăng nguy cơ bị tiểu rắt.
- Thừa cân: thừa cân có thể làm tăng áp lực lên bàng quang, dẫn tới chứng tiểu rắt.
- Những người đang mắc một số bệnh lý về thận, tiết niệu cũng sẽ gặp tình trạng tiểu ít, tiểu rắt.
- Những người có tổn thương dây thần kinh do chấn thương,.. có ảnh hưởng đến dây thần kinh điều khiển hoạt động của bàng quang.
Tiểu rắt gây ra nhiều bất tiện cho người bệnh
5. Những phương pháp chẩn đoán bệnh
Kiểm tra hoạt động của bàng quang:
- Khai thác tiền sử bệnh lý của người bệnh.
- Sử dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh như: chụp X-quang hệ tiết niệu, siêu âm ổ bụng, soi/chụp bàng quang, chụp cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính…
- Thực hiện các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu hoặc một số xét nghiệm cần thiết khác,…
Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện một số phương pháp kiểm tra chuyên biệt khác liên quan tới đường tiết niệu như đo áp lực bàng quang, kiểm tra lưu lượng nước tiểu hay kiểm tra lượng nước tiểu còn lại trong bàng quan sau khi đi vệ sinh,…
Chẩn đoán bệnh tiểu rắt bằng nhiều phương pháp
6. Biện pháp hỗ trợ điều trị tình trạng mắc tiểu nhưng tiểu ít
Mắc tiểu nhưng tiểu ít không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt, gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh mà còn có thể tiềm ẩn của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Việc điều trị theo hướng như sau:
- Dựa vào nguyên nhân để có phác đồ điều trị phù hợp.
- Thay đổi chế độ ăn: hạn chế những loại thực phẩm lợi tiểu hoặc kích thích hoạt động bàng quang, không dùng chất kích thích, đồ uống có gas, đồ cay, nhiều dầu mỡ, đồ nhiều muối,…
- Tạo thói quen đi tiểu vào những giờ cố định trong ngày, từ đó duy trì thói quen giữ nước cho bàng quang và giúp giảm số lần đi tiểu.
- Uống đủ lượng nước cần thiết.
7. Cần làm gì để ngăn ngừa tình trạng tiểu rắt?
Để ngăn ngừa tình trạng mắc tiểu nhưng tiểu ít, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:
Uống nhiều nước là một cách để hạn chế tiểu rắt
- Uống đủ nước: Nếu gặp triệu chứng mắc tiểu nhưng lại tiểu ít, bạn hãy cố gắng uống tối thiểu mỗi ngày 2 lít nước. Điều này sẽ giúp cơ thể đảm bảo đủ lượng nước cần thiết, giúp hệ tiết niệu hoạt động thuận lợi và hiệu quả hơn. Từ đó giúp ngăn ngừa các loại bệnh liên quan tới hệ tiết niệu.
- Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn, có gas: việc sử dụng các chất kích thích và đồ uống có cồn, có gas sẽ ảnh hưởng tới đường tiết niệu nói riêng và sức khỏe nói chung. Việc hạn chế sử dụng các loại rượu, bia, chất kích thích sẽ giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh và là thói quen tốt, cần duy trì.
- Hạn chế ăn những đồ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ ăn mặn hay những đồ chế biến sẵn.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên có thể giúp nâng cao sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa nhiều loại bệnh.
Mắc tiểu nhưng tiểu ít tưởng chừng không nguy hiểm nhưng lại là biểu hiện và nguyên nhân dẫn tới nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì thế, hãy thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng này. Tốt nhất, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Tiết niệu thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC nếu nhận thấy có dấu hiệu bất thường để được bác sĩ thăm khám và kiểm tra. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ chi tiết hơn.