Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Bú mẹ mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nên cho trẻ bú ngay trong vòng một giờ đầu sau giúp trẻ tận dụng hết nguồn sữa non quý giá của mẹ; hạn chế nguy cơ đối với cả mẹ và bé. Tại Việt Nam trong nhiều năm qua cũng khuyến khích nên cho bé bú sớm 1 giờ đầu sau sinh làm giải pháp chăm sóc sau sinh cho thai phụ.
Đặc biệt, những lợi ích “vàng” khi cho trẻ bú mẹ 1 giờ sau sinh được các chuyên gia khuyến khích mẹ nên thực hiện để giúp con nhận được nguồn dinh dưỡng quý giá của nguồn sữa non. Việc này không giúp trẻ sơ sinh hấp thụ được hàm lượng lớn chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe lẫn phát triển trí não. Bên cạnh đó, nguồn sữa non của mẹ còn giúp trẻ sơ sinh kháng thể rất hiệu quả, giảm được chứng vàng da, tránh bị dị ứng, nhiễm trùng,…
Những nguyên tắc vàng khi nuôi con bằng sữa mẹ
Những lợi ích của việc cho trẻ bú sớm trong vòng 1h đầu sau sinh:
Trẻ bú sớm có tác dụng giúp mẹ co hồi tử cung nhanh, tránh băng huyết sau đẻ.
Việc cho trẻ bú sớm sau khi sinh, sẽ tạo thêm sợi dây liên kết mối quan hệ gắn bó giữa mẹ và bé.
Cho trẻ bú sớm sẽ kích thích cơ thể mẹ bài tiết sữa sớm, tránh được hiện tượng cương tức vú, áp xe vú, khả năng tiết sữa kéo dài hơn và thời gian cho con bú lâu hơn.
Trẻ bú sớm cũng sẽ nhận được sữa non, thức ăn này cực kì phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ sơ sinh, tăng sức đề kháng cho trẻ để chống lại các bệnh nhiễm khuẩn sau đẻ. Thành phần sữa non ngoài dinh dưỡng còn chứa kháng thể (IgA), các tế bào bạch cầu để bảo vệ cơ thể trẻ, chống nhiễm khuẩn, dị ứng, các yếu tố phát triển giúp hệ tiêu hóa của trẻ trưởng thành và không dung nạp thức ăn khác.
Ngoài ra, sữa non còn có nhiều vitamin A có tác dụng phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, chống khô mắt, giúp tống phân su và đào thải bilirubin làm giảm triệu chứng vàng da sinh lí ở trẻ. Tuy nhiên, sữa non thường được tạo ra trong giai đoạn cuối của thai kỳ, khoảng tháng thứ 6 đến tháng thứ 7 và sữa non vẫn còn lưu lại trong một vài ngày sau sinh. Do vậy cho trẻ bú sớm giúp trẻ sớm nhận được nhiều nhất lượng sữa non từ mẹ.
Trong 2 tuần đầu tiên, sữa mẹ có chứa 4.000 bạch cầu trong 1ml sữa, bạch cầu này còn tiết ra IgA, lactoferin, lysozym, các chất này sẽ ức chế hoạt động của các vi rút. Sữa non có tác dụng như liều vaccine đầu tiên cho trẻ, tăng đề kháng chống bệnh tật.
Cho trẻ bú ngay sau đẻ cũng giúp bé bú đúng cách ngay từ đầu, nuôi con bằng sữa mẹ dễ thành công hơn. Vì thế, ngay sau khi đẻ cần cho trẻ nằm cạnh mẹ và cho trẻ bú sớm trong 1 giờ đầu tiên.
Khi cho trẻ bú, mẹ hãy bế trẻ ở tư thế thoải mái nhất, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ, miệng trẻ ngậm sâu vào quầng vú, cằm tỳ vào vú mẹ. Việc trẻ bú đúng sẽ được nhiều sữa hơn và mẹ không bị đau rát, nứt cổ gà hoặc căng tức sữa.
Đối với các mẹ sinh thường hay sinh mổ thì việc cho con bú ngay sau 1 giờ sinh cũng đều rất quan trọng và cần thiết. Nếu sinh mổ, mẹ có thể cho con bú ngay khi có thể bế bé và tiếp xúc da trong lúc chờ đợi. Đối với trẻ mặc dù nhẹ cân nhưng đủ tháng thì mẹ vẫn có thể cho bé bú ngay và nên cho bé bú thường xuyên hơn. Còn bé thiếu tháng nếu chưa thể bú mẹ ngay nên vắt sữa ra để cho bé uống.
Tất cả mọi bà mẹ đều có khả năng sản sinh đủ sữa để nuôi con trong những ngày đầu bé chào đời. Ngày đầu ra đời, kích thước dạ dày của bé chỉ bằng quả nho nên chỉ chứa được 5 – 7ml sữa mỗi lần bú và sẽ đi tiểu chỉ 1 – 2 lần, nước tiểu có màu vàng nhạt. Sữa mẹ sẽ về nhiều hơn vào ngày thứ 2, nên mẹ hãy tăng số lượng cữ bú, bé sẽ đi tiểu từ 6 – 8 lần/ngày. Ngày thứ 3, 4, dạ dày bé bằng quả chanh nên cần 22 – 27ml/cữ bú. Đến ngày thứ 10 thì dạ dày bé bằng quả trứng nên cần từ 60 – 80ml/ cữ bú. Mẹ nên thường xuyên cho trẻ bú sữa mẹ để tạo cho bé thói quen ăn uống lành mạnh đồng thời kích thích sữa về dồi dào.
Mẹ hãy nhớ rằng, trẻ sơ sinh chỉ thích hợp bú sữa mẹ vì hệ tiêu hóa non yếu của bé chỉ tiêu hóa được duy nhất một loại thức ăn là sữa mẹ. Vì thế, mẹ không nên cho trẻ sơ sinh bú sữa công thức thay cho sữa mẹ, điều này có thể gây ra những nguy hiểm sức khỏe cho trẻ như dị ứng sữa, nhiễm trùng, giảm khả năng miễn dịch.
Thanh Nga (tổng hợp)