Quy định mới về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ Cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp: Nhiều ý kiến trái chiều Dừng công bố dự thảo tiêu chuẩn nước mắm do còn nhiều ý kiến trái chiều
Nhiều điểm bất hợp lý
Cụ thể nội dung Thông tư 03/2022/TT-BYT, tại Điều 5 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 28/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 7 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng, trong khoản 3 có ghi phần sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 như sau: “2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: a) Tốt nghiệp đại học nhóm ngành Dinh dưỡng; bác sĩ nhóm ngành Y học đã tốt nghiệp sau đại học nhóm ngành Dinh dưỡng; b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng (dùng cho các hạng chức danh dinh dưỡng)”. Thông tư 03/2022/TT-BYT sẽ hiệu lực từ ngày 10/6/2022.
Như vậy, theo quy định này, các bác sĩ nhóm ngành Y học gồm bác sĩ đa khoa, bác sĩ Y học dự phòng, bác sĩ Y học cổ truyền và tất cả những đối tượng được đào tạo dưới mọi hình thức từ chính quy hay tại chức không thuộc khối ngành sức khoẻ nếu tốt nghiệp sau đại học nhóm ngành dinh dưỡng sẽ được xếp vào ngạch dinh dưỡng hạng III giống như những người tốt nghiệp đại học cử nhân Dinh dưỡng chương trình 4 năm.
Một cử nhân Dinh dưỡng khoá 5 (ĐH Y Hà Nội) đã bày tỏ băn khoăn: “Liệu chỉ qua vài chục tiết đào tạo về dinh dưỡng có đủ điều kiện xếp vào một chức danh nghề nghiệp trong khi đó đã có cả một mã ngành đào tạo chính quy hay không? Bởi cử nhân Dinh dưỡng được đào tạo nghề nghiệp 4 năm về dinh dưỡng, trong khi đó đối tượng bác sĩ y học chỉ được đào tạo 2-3 tín chỉ (30- 45 tiết học); Bác sĩ y học dự phòng 6-8 tín chỉ (90 – 120 tiết) về dinh dưỡng cơ bản”.
Hiện nay đã có 11 trường đại học (Đại học Y Dược TP HCM, Đại học Trà Vinh, Đại học Thăng Long, Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Công nghiệp TP HCM, Đại học Y Hà Nội, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Đại học Đông Á, Đại học Thành Đông, Đại học YTCC, Đại học Điều dưỡng Nam Định) trong cả nước đào tạo Cử nhân Dinh dưỡng với quy mô 50-100 sinh viên/năm với mỗi trường.
Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo 9 khoá, 5 khoá đã tốt nghiệp; Trường Đại học Y Dược Hồ Chí Minh (4 khoá), Đại học Y tế công cộng (4 khoá) cũng có khoá đầu tiên tốt nghiệp trong năm nay.
Như vậy chỉ trong 2-3 năm tới, lực lượng cử nhân Dinh dưỡng chính quy được đào tạo tại Việt Nam tốt nghiệp sẽ lên tới hàng nghìn người. Điều đó cho thấy ngành Dinh dưỡng hiện nay không thiếu nhân lực mà cần chính sách phù hợp.
Cần đặt “an toàn cho người bệnh” lên hàng đầu
Bác sĩ y học dự phòng đã có chức danh nghề nghiệp là Y học dự phòng. Theo thông tư 35/2019/TT- BYT năm 2019 về phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám chữa bệnh, người hành nghề là bác sỹ y học dự phòng được khám, phát hiện và xử trí các bệnh thông thường; xử trí ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng.
Tương tự đối với bác sĩ y học cổ truyền có phạm vi hành nghề là khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Mỗi đối tượng đào tạo đều có chức danh nghề nghiệp và phạm vi hành nghề riêng. Do đó, thông tư 03/2022/TT-BYT hiện cũng đang bộc lộ nhiều sự chồng chéo so với các thông tư ban hành trước đó.
TS.BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa Việt Nam thăm khám dinh dưỡng cho bệnh nhân
TS.BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Nuôi dưỡng tiêu hoá và Tĩnh mạch Việt Nam nhấn mạnh: “Thông tư 03/2022/TT-BYT khi được soạn thảo không lấy ý kiến từ Hội Nuôi dưỡng tiêu hoá và Tĩnh mạch Việt Nam”.
Là người đã từng tham gia soạn thảo Thông tư 18/2020/TT- BYT Quy định về hoạt động dinh dưỡng trong Bệnh viện, BS Lưu Ngân Tâm đánh giá các quy định giữa các thông tư này đang có sự chồng chéo nhau sẽ gây khó khăn cho các bệnh viện trong công tác tuyển dụng cũng như sử dụng nhân sự.
“Cụ thể, thông tư 18 có quy định người làm chuyên môn về dinh dưỡng điều trị là bác sỹ y khoa, bác sỹ đa khoa có chứng chỉ đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng hoặc dinh dưỡng viên.
Một điểm quan trọng nữa khi ban hành hoặc sửa đổi các Thông tư trong lĩnh vực y tế là cần đặt “an toàn cho người bệnh” lên hàng đầu. Bác sĩ đa khoa lâm sàng có phạm vi hành nghề, chuyên môn khác với bác sĩ y học dự phòng cũng như bác sĩ y học cổ truyền cũng có phạm vi hành nghề, chuyên môn khác hẳn với bác sĩ Tây y.
Do đó, khi áp dụng thông tư này vào việc tuyển dụng nhân sự tại các BV tuyến Trung ương, BV hạng I hoặc bệnh viện hạng đặc biệt thường xuyên cấp cứu tiếp nhận các bệnh nhân nặng sẽ bộc lộ nhiều bất cập. Nền tảng dinh dưỡng lâm sàng của các bác sĩ y học dự phòng liệu có đủ để cứu chữa bảo đảm an toàn tính mạng cho bệnh nhân?
Tương tự như đợt dịch bệnh COVID-19 thứ tư xảy ra ở TP HCM vừa qua, bệnh nhân nặng, bệnh nhân có nhiều bệnh nền nhập viện vào các khoa hồi sức cấp cứu rất nhiều, tình trạng nguy kịch vậy các bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ y học cổ truyền tốt nghiệp sau đại học nhóm ngành Dinh dưỡng về làm công tác chuyên môn điều trị về dinh dưỡng trong BV có đủ nền tảng dinh dưỡng lâm sàng để xử lý cấp cứu cũng như tham gia hội chẩn để đạt hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Một câu hỏi được đặt ra khi tuyển dụng hay sử dụng nhân lực về dinh dưỡng, các bệnh viện sẽ áp dụng thông tư 18 trước đây hay thông tư 03 sẽ có hiệu lực từ 10/6 tới đây? Liệu việc áp dụng các thông tư này có đạt được hiệu quả điều trị cho bệnh nhân?
Thông tư 03 đã nới rộng ra tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhưng đã đặt an toàn người bệnh lên trên hay không? Theo quan điểm cá nhân, tôi không đồng ý việc áp dụng thông tư 03 trong việc sử dụng nhân lực điều trị dinh dưỡng lâm sàng tại các BV”, Chủ tịch Hội Nuôi dưỡng tiêu hoá và Tĩnh mạch Việt Nam chia sẻ.
Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Australia, Canada, Anh, Nhật bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia,…) đều không có bác sĩ hay điều dưỡng hay cử nhân không được đào tạo chính quy về dinh dưỡng được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng viên. Nếu có các ngành nghề khác học sau đại học về dinh dưỡng thì họ sẽ làm các công việc như nghiên cứu, giảng dạy không phải là chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng.
Trước đây khi Việt Nam chưa có đào tạo cử nhân dinh dưỡng, chưa có lực lượng người làm dinh dưỡng chuyên nghiệp, hoạt động chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh tại bệnh viện cũng như cộng đồng chưa phát triển do phần lớn là những người làm trái ngành, không được đào tạo chính quy.
Vài năm trở lại đây, khi lực lượng cử nhân dinh dưỡng chính quy được đào tạo, đã góp phần thúc đẩy hoạt động dinh dưỡng của Việt Nam trở lên chuyên nghiệp, bài bản, lên tầm cao mới và có vị thế đối với các nước trong khu vực.
Việc ban hành một thông tư có nhiều bất cập sẽ có khả năng biến các khoa/đơn vị dinh dưỡng thành “nồi lẩu thập cẩm” với nhiều nhân sự không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Liệu sự không chuyên nghiệp đó có góp phần thúc đẩy ngành Y tế hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho người dân Việt Nam?
Do đó, mỗi ngành nghề cần được đào tạo chính quy, bài bản, bắt nhịp đúng xu hướng của xã hội và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, với khối ngành sức khoẻ, cần có sự đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, chất lượng để người dân được hưởng dịch vụ chất lượng từ hệ thống y tế chứ không phải gánh chịu sự sắp xếp luân chuyển lao động thừa từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.