Cá mè là nguồn dinh dưỡng dồi dào và bồi bổ ích và có thể chế biến thành những món ăn ngon miệng. Tuy nhiên cá mè cũng tồn tại những tác hại khó lường mà không phải ai cũng biết. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn tìm hiểu về các tác hại của cá mè.
Cá mè là gì?
Cá mè hay còn được gọi là liên ngư, thường sinh sống chủ yếu sinh sống tại các ao hồ. Chính vì thế, cá mè được rất nhiều người ưa thích vì nó khá phổ biến, dễ mua và có giá thành khá rẻ. Tuy nhiên, do giống nòi có phần tương đồng cá chép nên cá mè rất tanh. Thế nhưng thực tế thì thịt cá mè ăn khi chế biến lại rất ngọt và nhiều chất dinh dưỡng. Trong thịt cá mè có chứa nhiều protid dinh dưỡng và mỡ cá có nhiều acid béo không no giúp bồi bổ năng lượng cho cơ thể con người. Ngoài ra, thịt cá mè còn chứa canxi, phốt pho, sắt và các loại vitamin B1, B2, A, và các loại acid nicotinic.
Ăn cá mè có tốt hay không?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn cá mè sẽ không gây béo như mọi người nghĩ, bởi thành phần chính trong thịt cá mè là các vitamin, khoáng chất vi lượng giúp duy trì sức khỏe cơ thể. Đồng thời thịt cá mè có hàm lượng dinh dưỡng cao và nên sẽ giúp bạn bổ sung năng lượng cần thiết.
Ngoài ra, thịt cá mè còn chứa các loại vitamin khác như A, D giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và giảm khả năng tích tụ calo, mỡ thừa. Đặc biệt các nhà nghiên cứu đã chứng minh trong 100 gam cá mè có hàm lượng đạm cao tới 15,4 gam giúp hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa.
Chính vì vậy việc ăn cá mè giúp dạ dày hoạt động tốt hơn và không gây ra tình trạng thừa đạm, béo phì như khi ăn các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên vì trong cá mè cũng chứa nhiều chất béo nên bạn cũng cần ăn cá điều độ để tránh việc cơ thể tích tụ nhiều mỡ thừa.
Các món ăn thơm ngon từ cá mè
Dưới đây là một số cách chế biến món ăn thơm ngon từ cá mè giúp bạn có thêm nhiều công thức nấu ăn mới lạ:
Canh cá mè khởi tử
Nguyên liệu cá mè tươi 300g, khởi tử 30g. Cách làm: cá mè làm sạch, chỉ lấy thịt cá, thái lát mỏng và nấu kĩ với khởi tử và bột gia vị. Trước khi ăn có thể thêm giá đỗ xanh, gừng, rau mùi, rau cần, hành, hạt tiêu và ăn hết trong ngày. Canh cá mè khởi tử có tác dụng rất tốt cho người suy nhược cơ thể, sốt, chán ăn.
Canh cá mè với gừng tươi
Chuẩn bị cá mè 1 con, gừng tươi 1 củ từ 20 – 30g. Cá mè làm sạch, gừng tươi cạo vỏ, đập giập, cho thêm hành tươi, gia vị nấu canh. Ăn canh này liên tục từ 5 – 7 ngày rất tốt đối với những người tỳ vị dương hư, hư hàn, ăn kém, chậm tiêu, nôn ói.
Cá mè hầm đậu đỏ
Chuẩn bị cá mè 1 con, đậu đỏ hạt 30g. Cá mè làm sạch, hầm nhừ với đậu đỏ, nước vừa đủ sau đó thêm gia vị, ăn trong ngày. Đợt dùng 5 – 7 ngày rất thích hợp cho người bệnh phù nề, tiểu tiện ít.
Canh chua cá mè
Canh chua cá mè là một món ăn vô cùng dân dã và dễ ăn cho mọi nhà. Hương vị của món ăn vô cùng thấm đậm vị chua ngòn ngọt và cực kỳ đưa cơm. Canh chua cá mè không chỉ giúp làm ấm bụng bạn mà còn hỗ trợ tiêu hóa ổn định đồng thời làm tăng cường sức đề kháng.
Những tác hại của cá mè không phải ai cũng biết
Cá mè mang tính ôn nhiệt do vậy nếu bạn ăn quá nhiều thì sẽ dẫn đến các trường hợp sinh nội nhiệt, khát nước và dễ gây loét miệng. Bên cạnh đó, người hay bị táo bón, lở ngứa và có mụn nhọt không nên ăn loại thực phẩm này. Khi chế biến cá mè và canh, bạn nên nấu thật chín kĩ nhằm phòng chống ấu trùng sán lá gan hay tồn tại trong loài cá này. Các nghiên cứu đã chỉ ra mè là loại cá có tỷ lệ mang ấu trùng sán lá gan cao nhất chiếm khoảng 92%. Do vậy bạn không nên ăn gỏi cá mè và cần nấu chín kỹ để loại bỏ sán lá gan.
Bên cạnh đó, phụ nữ đang mang thai vẫn có thể ăn cá mè điều độ, theo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng và cần lọc bỏ mật trong cá khi ăn. Nếu bà bầu ăn cá mè chưa bỏ mật hoặc ăn cá bị vỡ mật rất dễ bị ngộ độc. Ngộ độc mật cá mè có thể khiến bà bầu mệt mỏi, chóng mặt và mất nước. Ở phụ nữ mới mang thai, ngộ độc cá mè nặng có thể dẫn đến sẩy thai, nguy hiểm đến tính mạng.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về những tác hại của cá mè có thể bạn chưa biết. Có thể thấy loại cá này mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tuy nhiên nếu không chế biến đúng cách có thể gây ra các tác hại cho cơ thể. Do vậy bạn nên ăn cá mè với chế độ ăn phù hợp và nấu chín kỹ cá trước khi ăn.
Minh Thúy
Nguồn tham khảo: Báo sức khỏe và đời sống