Họ cùng đồng lòng đi theo trên con đường mới, làm những người tiên phong trong việc áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ tại miền Bắc.
Chặng đường chuyển đổi từ canh tác hóa học sang canh tác tự nhiên của các thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân rất gian nan, đòi hỏi sự bền gan không thối chí từ việc chăm sóc cây, bắt sâu, tỉa lá đến việc tiếp cận thị trường.
Bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc HTX kể, để làm rau hữu cơ tốn công hơn hẳn làm rau hóa học vì phải tuân thủ nguyên tắc “năm không” gồm: Không phân hóa học; Không giống biến đổi gen; Không chất kích thích sinh trưởng; Không thuốc diệt cỏ và không thuốc trừ sâu hóa học.
Nông dân ở đây tự ủ phân hữu cơ từ các loại phân gia súc, gia cầm, phế phụ phẩm nông nghiệp trong ít nhất 3 tháng cho sạch hết ký sinh trùng rồi mới bón cho rau.
Nông dân ở đây tự chế thuốc trừ sâu từ các loại thảo mộc, gia vị như tỏi, ớt, gừng giã nhỏ, ngâm rượu rồi phun hoặc dùng phương pháp bắt thủ công hay bẫy dính.
Đến ngay cả nước tưới, đất canh tác cũng được xét nghiệm định kỳ để bảo đảm không bị nhiễm hóa chất độc, cũng như các kim loại nặng gây hại cho sức khỏe con người.
Trong canh tác rau hữu cơ, nông dân còn chủ động tạo dựng những hàng rào sinh học bằng cây cỏ voi cách ly với vùng sản xuất xung quanh để tránh thuốc bảo vệ thực vật lan sang, trồng các loại hoa mang tính dẫn dụ côn trùng gây hại đến để bắt, tiện cho việc kiểm soát dịch bệnh trên luống rau của mình.
Bên cạnh đó, phương pháp của hữu cơ PGS là có sự kiểm tra, giám sát của nông dân cũng như của chính cán bộ kỹ thuật trong việc tuân thủ quy trình sản xuất.
Xã Thanh Xuân phân làm nhiều nhóm sản xuất, mỗi nhóm lại thành lập ra Ban thanh tra với 3 thanh tra viên là những người đã được tập huấn các kỹ năng và nghiệp vụ.
Họ thường xuyên kiểm tra chéo nhau trên ruộng đồng để có thể kịp thời xử lý vướng mắc, biết được việc tuân thủ quy trình kỹ thuật đúng hay là sai.
Tùy theo mức độ vi phạm mà nhóm hay cá nhân nông dân đó sẽ bị xử lý theo quy định như bị treo chứng chỉ, không được bao tiêu rau hoặc phạt bằng tiền, thậm chí nếu nặng sẽ bị cấm tham gia sản xuất.
Nhờ thế mà sau quá trình chuyển đổi, sản phẩm đã đạt chứng nhận hữu cơ PGS (hệ thống giám sát cộng đồng nhằm đảm bảo chất lượng). Nhưng thủa ban đầu HTX Dịch vụ Nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân cũng không hề dễ dàng trong việc thuyết phục các cửa hàng thực phẩm sạch cho ký gửi rau, thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận dùng thử ngay. Dần dần, theo thời gian danh tiếng về rau hữu cơ Thanh Xuân đã được nhiều người dân thủ đô biết tới.
Hiện toàn xã có trên 20 nhóm sản xuất rau hữu cơ với khoảng 180 thành viên tham gia gồm phần lớn là những nông dân trung tuổi hoặc đã già, khó chuyển đổi hoặc không thể chuyển đổi sang ngành nghề, dịch vụ khác.
Họ cùng nhau canh tác trên tổng diện tích đất 37ha, tạo ra sản lượng 600kg rau/ngày. HTX có cơ sở sơ chế đóng gói đảm bảo an toàn thực phẩm, có đầy đủ bao bì, nhãn mác đúng quy cách, thông tin rõ ràng về phương thức sản xuất cũng như nguồn gốc sản phẩm.
Sản xuất của HTX được áp dụng theo chuỗi, kiểm soát chặt từ đầu vào đến thực hành trên đồng ruộng và bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Hiện rau hữu cơ Thanh Xuân được nhiều đơn vị liên kết tiêu thụ như công ty Tâm Đạt, công ty Lục Thủy cùng các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch và bếp ăn tập thể khác với giá ổn định trên dưới 20.000 đ/kg, đem lại thu nhập khá cho các thành viên. Có nhiều sản phẩm của HTX đã được thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao, một số còn được xuất khẩu đi những thị trường khó tính.
Theo Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội việc hình thành các chuỗi giá trị đã góp phần rất lớn trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững. Về hình thức liên kết theo chuỗi ở Hà Nội cũng rất đa dạng từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm; liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm; liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm; đến sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ…
TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI