Vào mùa đông, trẻ thường hay mắc các bệnh viêm họng, viêm phế quản, tiêu chảy. Ngoài việc giữ cho trẻ ấm áp bằng quần áo, máy sưởi, điều hòa, chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng vô cùng quan trọng để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Chuyên mục Sống khỏe hôm nay sẽ là một số lưu ý cần thiết về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ trong mùa đông qua cuộc trò chuyện TS. Bác sĩ Phan Bích Nga, Phó trưởng Trung tâm tư vấn Phục hồi dinh dưỡng và Kiểm soát béo phì, Viện dinh dưỡng.
PV Việt Hà: Thưa bác sĩ, hiện tại thời tiết đang rất lạnh, liệu chế độ dinh dưỡng như thế nào để giúp trẻ có thêm ấm áp và đảm bảo trong thời tiết lạnh giá này. TS.Bs Phan Bích Nga: Vào mùa đông nhu cầu năng lượng sẽ cần nhiều hơn, vì sẽ phải tiêu hao năng lượng để giữ ấm cho cơ thể. Điều đầu tiên chúng ta cần lưu ý là phải ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, tăng cường hơn nữa nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng cao.
Nhóm cung cấp chất bột chúng ta cho trẻ ăn các loại cháo, súp, bột, mì dạng phở hoặc khoai tây, khoai củ…rất là tốt cho trẻ. Cần lưu ý các loại đạm nhất là đạm động vật, tăng cường chất béo như thịt mỡ, dầu… PV Việt Hà: Các loại sữa chua hay sữa tươi các bậc phụ huynh thường muốn bổ sung cho trẻ vào mùa đông tuy nhiên vào mùa đông thì những loại đó lại rất lạnh, có cách nào để vẫn bổ sung được cho trẻ nhưng vẫn giữ ấm được không? TS.Bs Phan Bích Nga: Sữa tươi là nguồn cung cấp nước và các vitamin, thực ra trong sữa tươi năng lượng của nó tương đối thấp, nên chúng tôi vẫn khuyến nghị với trẻ đang ít cân bên cạnh việc uống sữa tươi thay nước thì vẫn phải uống thêm các loại sữa bột để đảm bảo cung cấp năng lượng. Cho nên nếu sữa tươi chúng ta đun lên thì các vitamin sẽ bị hủy hoại do nhiệt. Vào mùa đông, chúng ta nên cho trẻ uống sữa tươi là các loại sữa tiệt trùng, chứ không phải sữa thanh trùng vì chúng ta biết là sữa thanh trùng chúng ta phải bảo quản tủ lạnh. Về sữa chua chúng ta nên ngâm ấm để cho trẻ ăn. PV Việt Hà: Trẻ ít khi kêu khát nước, cha mẹ phải làm thế nào để biết được lượng nước trẻ cần để cung cấp cho trẻ lúc cần thiết?. TS.Bs Phan Bích Nga: Giai đoạn 6 tháng đầu đời, trẻ thường bú mẹ nên lúc đó không có nhu cầu phải uống thêm nước, lúc đó thì không cần thiết. Sau 6 tháng khi trẻ ăn bổ sung, dút khoát vẫn phải cho trẻ bú mẹ bên cạnh đó và phải uống nước.
Về nhu cầu nước, đối với trẻ trên 6 tháng đến 1 tuổi thì cứ mỗi một kg cân nặng của trẻ thì cần 100ml nước, bao gồm cả sữa, đối với trẻ trên 1 tuổi, trên 10kg cứ mỗi 10kg cân nặng đó có nhu cầu 1 lít nước. Và mỗi 1 cân nặng thêm thì bổ sung thêm 50ml nước.
PV Việt Hà: Vào mùa đông, người lớn thường dùng các gia vị làm nóng như: gừng, giềng, hạt tiêu. Hạt tiêu thì chắc chăn không dùng rồi, nhưng gừng hay giềng thì có thể cho vào cháo hay cho vào thức ăn nấu cho trẻ được không? TS.Bs Phan Bích Nga: Hoàn toàn không nên, tất cả những gia vị cay, nóng đều kích thích tiêu hóa rất nhiều, mà niêm mạc dạ dày của trẻ vẫn rất là mỏng nên dùng những thứ như vậy nhiều khi sẽ gây hại cho niêm mạc, đường tiêu hóa của trẻ. Do vậy, chúng tôi hoàn toàn không khuyến nghị phụ huynh sử dụng. PV Việt Hà: Xin cảm ơn những thông tin của bác sĩ dành cho chương trình.