Lạm phát tác động trực tiếp tới khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Trong bài này chúng ta cùng phân tích các tác động của lạm phát thấp, vừa phải, cao tới khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu:
1. Ảnh hưởng của lạm phát thấp đến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu
Khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ lạm phát tương quan của quốc gia đó với quốc gia khác. Hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia đó sẽ có lợi hơn các hàng hóa của các nước bạn hàng nếu tỷ lệ lạm phát của quốc gia đó thấp hơn các nước đối tác.
Mối quan hệ giữa lạm phát và tỷ giá hối đoái (Tỷ giá hối đoái là quan hệ so sánh của một số đơn vị tiền tệ nước này với một đơn vị tiền tệ nước khác (GS. Đinh Xuân Trình, Giáo trình thanh toán quốc tế, NXB Giáo dục, 2006) được thể hiện trong Học thuyết Ngang giá sức mua PPP:
Trong đó:
– ΔE: Tỷ lệ thay đổi tỷ giá hối đoái
– ΔP: Tỷ lệ lạm phát trong nước
– ΔP* : Tỷ lệ lạm phát ở nước ngoài
Học thuyết này phát biểu rằng mức chênh lệch lạm phát giữa hai quốc gia sẽ bằng tỷ lệ thay đổi tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền của hai quốc gia đó. Nói một cách khác sự thay đổi của tỷ giá hối đoái được quyết định bởi tỷ lệ lạm phát giữa quốc gia đó với nước ngoài
Điều này có nghĩa là khi tỷ lệ lạm phát ở trong nước thấp hơn ở nước ngoài, giá cả của hàng hóa xuất khẩu sẽ rẻ hơn so với hàng hóa cùng loại trên thị trường nước ngoài. Bởi vì chi phí để sản xuất một mặt hàng xuất khẩu cùng loại sẽ giảm, cùng với các chi phí khác của lạm phát như chi phí thực đơn, chi phí mòn giày cũng thấp hơn so với nước ngoài. Nói cách khác lạm phát thấp làm cho hàng hóa xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh về giá so với các nước bạn hàng.
2. Ảnh hưởng của lạm phát vừa phải đến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu
Như những phân tích về ảnh hưởng của lạm phát vừa phải đến sản xuất hàng xuất khẩu và đến kim ngạch xuất khẩu ở phần trên, chúng ta thấy rõ rằng lạm phát vừa phải có tác động tích cực thúc đẩy việc sản xuất hàng xuất khẩu và đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu. Lạm phát vừa phải làm cho lãi suất thực tế giảm, cung tiền trong nền kinh tế hợp lý do đó làm tăng đầu tư. Bên cạnh đó, nó góp phần điều chỉnh phù hợp thị trường lao động, nâng cao năng suất lao động. Dưới tác động của lạm phát vừa phải các doanh nghiệp sẽ phân bổ và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn, đưa ra các phương án kinh doanh tối ưu hơn. Do đó, chất lượng hàng hóa được cải thiện, số lượng hàng hóa tăng. Nói cách khác, lạm phát vừa phải giúp cho hàng hóa xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh về khối lượng so với các nước bạn hàng.
3. Ảnh hưởng của lạm phát cao đến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu
Theo học thuyết Ngang giá sức mua, hàng hóa xuất khẩu của mộtquốc gia sẽ bất lợi hơn các hàng hóa của các nước bạn hàng nếu tỷ lệ lạm phát của quốc gia đó cao hơn các nước đối tác. Lạm phát cao làm cho nhu cầu xuất khẩu giảm do giá tăng cao, trong khi đó hàng nhập khẩu lại có khả năng cạnh tranh hơn do giá của các mặt hàng nhập khẩu sẽ giảm so với các mặt hàng cùng loại được sản xuất tại trong nước. Ví dụ: tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam là 20%/năm, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ là 5%/năm, như vậy sức mua của đồng tiền Việt Nam (VND) sẽ giảm 15% so với sức mua của đồng đôla Mỹ (USD), hay USD sẽ lên giá 5%.
Như vậy, khi lạm phát tăng đồng tiền của quốc gia sẽ có xu hướng giảm giá. Thông thường, khi đồng nội tệ giảm giá sẽ kích thích các nhà sản xuất hàng xuất khẩu của quốc gia đó bởi vì các khách hàng nước ngoài chỉ phải trả ít tiền hàng khi mua hàng hóa của nước đó. Tuy nhiên đồng nội tệ giảm giá cũng có nghĩa là giá cả của những mặt hàng nhập khẩu sẽ tăng, nhất là khi các mặt hàng nhập khẩu là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu, điều này dẫn tới chi phí sản xuất hàng xuất khẩu sẽ tăng.
Thực vậy, như lý thuyết về lạm phát chi phí đẩy đã trình bày ở trên. Lạm phát do chi phí đẩy xảy ra khi các tác động của các yếu tố bên ngoài tác động vào không gắn với tình hình tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Có thể thấy, hầu hết các nước đang phát triển thường phải nhập một lượng hàng lớn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng trong nước nói chung và sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng. Khi lạm phát tăng giá cả của những mặt hàng này cũng sẽ tăng lên, cùng theo đó chi phí sản xuất và tương ứng chi phí sản xuất là các chi phí tiêu hao nguyên liệu, chi phí lao động và các loại thế gián thuê và trợ cấp trong một số trường hợp nào đó cũng tăng lên (John Stanton Flemming (1976), Inflation, p.62)… Để bảo tồn sự tồn tại của các cơ sở sản xuất trên cơ sở đảm bảo sản xuất có lãi và bù đắp được chi phí, bắt buộc các nhà sản xuất đưa giá bán tăng lên (trường hợp này xảy ra phổ biến ở các nước đang phát triển khi sản xuất đang ở dạng độc quyền, các quy luật thị trường chưa được phát huy hết).
Ngoài ra nhiều nước đang phát triển nhập khẩu nguyên liệu thường bị ảnh hưởng của lạm phát ở các nước khác. Trong trường hơp này, mặc dù tỷ giá hối đoái trong nước có thể không đổi nhưng chi phí nguyên liệu nhập khẩu tăng. Ví dụ khi giá dầu mỏ tăng, dẫn đến hầu hết các nước đang phát triển phải đối mặt với vấn đề lạm phát trong những năm 70-80 của thế kỷ 20. Do đó, lạm phát từ nhập khẩu tăng lên là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng lạm phát ở trong nước, nhất là các nước phụ thuộc chủ yếu vào hàng nhập khẩu dùng làm đầu vào cho sản xuất hàng trong nước nói chung và hàng xuất khẩu nói riêng.
Như vậy, chúng ta thấy lạm phát tăng làm cho các chi phí đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng, kéo theo giá cả của các mặt hàng xuất khẩu sẽ tăng lên. Bên cạnh đó nhu cầu về hàng xuất khẩu của nước đối tác giảm. Hay nói cách khác, lạm phát tăng sẽ gây ảnh hưởng xấu tới khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới.
Lương Thanh Hải
Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại – VIOIT