LCĐT – Mô hình “Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng” là một phần trong Dự án Bạn hữu trẻ em được Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh triển khai tại xã Bản Phố, Nậm Mòn (Bắc Hà) và xã Thào Chư Phìn (Si Ma Cai). Mục đích của mô hình là can thiệp về dinh dưỡng trong 1.000 ngày vàng của trẻ, nhằm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng; thay đổi hành vi của các bà mẹ về nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ nhỏ.

Cùng nhóm nòng cốt của Câu lạc bộ mô hình “Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng”, chúng tôi có mặt tại gia đình chị Lý Thị Xoa, thôn Bản Phố 2B, xã Bản Phố (Bắc Hà). Không giấu được niềm vui, chị Xoa chia sẻ: Trước đây, tôi không có kinh nghiệm chăm sóc con. Từ ngày được cán bộ y tế và cán bộ ở Câu lạc bộ hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho mẹ và con, sau khi áp dụng, tôi thấy con lớn nhanh, khỏe mạnh hơn. Được biết, cách làm của nhóm nòng cốt Câu lạc bộ là tổ chức sinh hoạt nhóm và duy trì các hoạt động 1 lần/tuần, đặc biệt hướng tới các gia đình nuôi con nhỏ, như cung cấp dịch vụ phát hiện trẻ suy dinh dưỡng, trình diễn cách chế biến bữa ăn, trao đổi thực phẩm ăn bổ sung tự chế có sử dụng công thức chế biến của Viện Dinh dưỡng quốc gia… Bên cạnh đó, người dân còn được phổ biến kỹ năng chăm sóc bà mẹ, dinh dưỡng bà mẹ khi mang thai, khám thai định kỳ, lợi ích của việc đến cơ sở y tế để sinh đẻ…
Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình “Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng”, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được cải thiện đáng kể: Tỷ lệ phụ nữ có thai khám thai đủ 3 lần/3 kỳ tăng; tỷ lệ phụ nữ có thai được uống viên sắt tăng từ 14% – 28%; tỷ lệ sinh tại nhà giảm từ 5% – 19%; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi giảm 2% – 3%. Lào Cai là địa phương điển hình trong thực hiện mô hình “Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng”, được nhiều địa phương khác đến thăm và học tập.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng, ngành y tế tỉnh còn thực hiện mô hình “Quản lý lồng ghép và điều trị ngoại trú cho trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính không có biến chứng” cho 10 xã thuộc các huyện Bắc Hà, Sa Pa và điều trị nội trú cho trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính có biến chứng tại Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, Sa Pa. Tùy theo thể trạng suy dinh dưỡng, trẻ sẽ được hỗ trợ các sản phẩm dinh dưỡng như: Sản phẩm Hebi cho trẻ ngoại trú; sữa F75, F100, Resoman cho trẻ nội trú. Tại các xã triển khai mô hình này đều được đội lưu động lồng ghép chăm sóc dinh dưỡng sức khỏe bà mẹ, trẻ em; phòng, chống suy dinh dưỡng nặng cấp tính; siêu âm, khám thai, cấp viên sắt, xét nghiệm nước tiểu cho phụ nữ mang thai; khám và điều trị phụ khoa; thực hiện kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình; đồng thời, tổ chức giám sát, hỗ trợ kỹ thuật và theo dõi việc sử dụng sản phẩm phục hồi dinh dưỡng cho trẻ.
Theo bà Đàm Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Tiểu Ban quản lý Dự án Bạn hữu trẻ em tỉnh, trong thời gian tới, Tiểu Ban quản lý Dự án sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai hoạt động của các mô hình “Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng”, “Quản lý lồng ghép và điều trị ngoại trú cho trẻ em suy dinh dưỡng nặng cấp tính”; tổ chức thẩm định và công nhận một số thôn thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường tại xã Nậm Mòn, Bản Phố (Bắc Hà); xúc tiến việc tổng kết đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm thực hiện Dự án giai đoạn 2012 – 2016; phát huy nội lực và tận dụng nguồn lực bên ngoài nhằm nhân rộng những mô hình hiệu quả tới các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.