Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với các biểu hiện đặc trưng gồm thở khò khè, khó thở, suy hô hấp. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để ngăn ngừa bệnh chuyển biến thành các biến chứng nguy hiểm.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là gì?
Viêm tiểu phế quản là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra. Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ gây viêm tiểu phế quản, khiến các ống thở nhỏ của phổi (tiểu phế quản) sưng lên, gây cản trở quá trình lưu thông không khí qua phổi, khiến trẻ khó thở. (1)
Virus gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sinh sôi và phát triển mạnh mẽ trong điều kiện môi trường mát mẻ, thường là vào khoảng mùa đông và đầu xuân (khoảng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, cao điểm nhất là khoảng tháng 1 và tháng 2). Hơn nữa, trẻ nhỏ trong độ tuổi này có hệ miễn dịch còn non yếu, đường thở nhỏ và dễ bị tắc nghẽn hơn những đứa trẻ lớn hơn. Do đó, trẻ trong độ tuổi này dễ mắc bệnh viêm tiểu phế quản hơn.
Trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản thường dưới 24 tháng tuổi, trong đó, trẻ từ 2 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi hoặc có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tỷ lệ trẻ mắc bệnh này trong 12 tháng đầu tiên lên đến 11%.
Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ
Nguyên nhân chính gây viêm tiểu phế quản ở trẻ em là do các chủng virus đường hô hấp bao gồm cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV – virus Respiratoire Syncytial). Rhinovirus, Adenovirus, virus Parainfluenza, siêu vi trùng ở người và vi khuẩn (rất hiếm gặp). (2)
Sau khi nhiễm virus, virus sẽ sinh sôi và phát triển trong cơ thể bệnh nhân, gây nhiễm trùng đường hô hấp trên (mũi, miệng và cổ họng). Sau đó, chúng lan rộng xuống khí quản và phổi gây ra tình trạng sưng, viêm các ống thở, thậm chí, chúng có thể làm chết các tế bào bên trong đường hô hấp. Các chủng virus lây bệnh này thường lây lan khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với chất nhầy hoặc nước bọt của bệnh nhân khi hắt hơi, thở khò khè, ho hay nói chuyện.
Bệnh viêm tiểu phế quản được gây ra do sự xâm nhập của RVS là nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm khoảng 30-50% tổng số ca bệnh. Đây là loại virus có khả năng lây lan và phát triển mạnh mẽ, dễ tạo thành dịch bệnh. Đối với các trẻ trên 2 tuổi, khi nhiễm loại virus này, các biểu hiện thường nhẹ. Ngược lại, đối với các trẻ dưới 2 tuổi, khi nhiễm bệnh, các triệu chứng sẽ xuất hiện ở dạng nặng hơn. Bên cạnh đó, virus cúm là nguyên nhân gây khoảng 25% tổng số ca bệnh và Adenovirus chiếm 10%.

Trẻ nào có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản
Bệnh viêm tiểu phế quản có thể xảy bất kỳ đứa trẻ nào. Tuy nhiên, một số trẻ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn như:
- Trẻ dưới 2 tuổi, nhất là các bé dưới 6 tháng tuổi;
- Trẻ số trong vùng dịch cúm hay các bệnh về viêm đường hô hấp trên do RSV gây ra;
- Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá;
- Trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ;
- Trẻ sinh non;
- Trẻ đã đi nhà trẻ;
- Trẻ có tiền sử mắc các bệnh do virus gây ra như viêm mũi họng, viêm amidan, viêm VA,…
- Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh như bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi bẩm sinh,…
- Trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch;
- Trẻ sống trong gia đình có anh, chị bị viêm tiểu phế quản..
Dấu hiệu viêm tiểu phế quản ở trẻ
Các triệu chứng ban đầu của bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh, bao gồm: nghẹt mũi, sổ mũi, ho nhẹ và sốt. Các triệu chứng này thường sẽ kéo dài trong khoảng 1-2 ngày. Sau đó, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
- Có biểu hiện giống cảm lạnh (sổ mũi, ho nhẹ, sốt);
- Ho nhiều, ho dữ dội;
- Nôn mửa khi ho;
- Sốt cao kéo dài, trên 3 ngày;
- Mệt mỏi;
- Cổ, ngực có biểu hiện “hút vào” rõ ràng khi trẻ hít thở;
- Thở khò khè;
- Khó thở, môi, đầu ngón tay có màu hơi xanh;
- Thở nhanh hơn bình thường;
- Tiêu chảy;
- Mất nước, gặp khó khăn khi uống nước…

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là một bệnh về đường hô hấp, do đó, khi trẻ xuất hiện bất kỳ dấu hiệu suy hô hấp nào, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và hỗ trợ điều trị ngay lập tức. (3)
- Khó thở sau khi ho;
- Bỏ ăn;
- Ngủ nhiều hơn bình thường, ngủ li bì, ngay cả khi trẻ bú;
- Thường xuyên quấy khóc, dễ cáu gắt;
- Sốt cao;
- Có dấu hiệu mất nước: khô môi, khô miệng, không đi tiểu trong 6-8 giờ;
- Đối với trẻ sơ sinh: thóp đầu bị lõm vào trong;
- Khó thở, thở nhanh;
- Khi trẻ thở, xương sườn, dạ dày bị hút vào;
- Tức ngực.
Đặt biệt, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị khẩn cấp ngay khi trẻ có các biểu hiện sau:
- Các triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản trở nên tồi tệ hơn;
- Da nhợt nhạt, môi xanh;
- Mất nước nghiêm trọng, từ chối uống nước;
- Sốt cao kéo dài;
- Ngủ li bì, khó đánh thức.
Đối với các trẻ sinh non, nhẹ cân, mắc các bệnh về tim, phổi bẩm sinh hoặc có hệ thống miễn dịch bị suy giảm, khi trẻ có biểu hiện viêm tiểu phế quản, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ y tế.
Cách chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ
Để chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản, đầu tiên, bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ cung cấp thông tin về tiền sử bệnh và khám sức khỏe của con. Sau đó, bác sĩ sẽ khám cho trẻ, đặc biệt là khám phổi. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu trẻ thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh chính xác hơn, loại trừ các bệnh khác như viêm phổi và hen suyễn.
- Chụp X-quang ngực: Phương pháp này tạo ra hình ảnh các mô bên trong, xương và các cơ quan, giúp bác sĩ phát hiện tình trạng viêm phổi ở trẻ.
- Xét nghiệm máu: Phương pháp này được thực hiện nhằm kiểm tra số lượng bạch cầu và oxy trong máu, từ đó, xác định nguyên nhân gây bệnh cho trẻ là do virus hay vi khuẩn hay do tác nhân nào khác.
- Đo oxy xung (hay đo SpO2): Bằng cách đo lượng oxy trong máu, bác sĩ có thể phát hiện sớm tình trạng thiếu hụt, hụt oxy trong máu. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt một bộ cảm biến nhỏ trên ngón tay hoặc ngón chân của trẻ. Khi máy hoạt động, xung điện từ được tạo ra, tập trung tại bộ bận được kẹp lại bởi máy đo. Sau đó, bộ phận thăm thăm dò sẽ tiếp nhận tín hiệu và trả thông tin, hình ảnh đã được xử lý qua mạch điện và bộ vi xử lý lên màn hình máy.
- Xét nghiệm siêu vi (Dùng gạc hoặc tăm bông lấy dịch nhầy ở mũi và họng của trẻ): Đây là cách phát hiện sự tồn tại của RSV và một số loại virus khác một cách nhanh chóng.
Cách điều trị bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ
Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Do đó, việc điều trị bệnh sẽ hướng tới làm giảm nhẹ và điều trị các triệu chứng. Các biện pháp điều trị này dựa vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe chung, các triệu chứng trẻ đã xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của chúng. Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là bệnh do virus gây ra do đó, thuốc kháng sinh sẽ không được sử dụng không điều trị bệnh này, trừ các trường hợp trẻ bị bội nhiễm do vi khuẩn gây ra. Khi trẻ mắc bệnh có các triệu chứng ở mức độ nhẹ mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách:
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường để tránh tình trạng mất nước ở trẻ;
- Cho trẻ ăn uống đủ chất, không bỏ bữa;
- Vệ sinh mũi và miệng của trẻ bằng nước muối sinh lý;
- Làm thông thoáng mũi cho trẻ;
- Cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ;
- Theo dõi các triệu chứng của trẻ;
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, phấn hoa và các mùi kích thích khác;
- Cho trẻ tái khám định kỳ;
- Vệ sinh tai cho trẻ hằng ngày…
Đa số trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản đều nhẹ và có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số trẻ có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng về đường hô hấp hay có biểu hiện mất nước, trẻ cần được đưa đến bệnh viện khẩn cấp. Các biện pháp y tế thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh cho trẻ gồm:
- Dịch truyền tĩnh mạch (IV) để bù nước và điện giải cho trẻ nếu trẻ có biểu hiện mất nước nghiêm trọng và từ chối uống nước;
- Sử dụng máy thở để giúp trẻ thở dễ dàng hơn, ổn định nhịp thở;
- Hút dịch nhầy từ mũi và miệng của trẻ để, giúp trẻ dễ thở, không khí lưu thông dễ dàng;
- Khi ngủ, mẹ kê gối dưới đầu để nâng cao đầu của trẻ. Lưu ý, mẹ không nên dùng chung gối với trẻ sơ sinh;
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau;
- Dùng máy phun sương để tạo độ ẩm trong phòng, không gian phòng thoáng mát, trẻ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn…
Thông thường, các triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em sẽ thuyên giảm và dần biến mất, bệnh được chữa khỏi hoàn toàn sau 1-2 tuần. Tuy nhiên, bệnh có thể kéo dài hơn, chiếm tỷ lệ 20% tổng số trẻ mắc bệnh.
Lưu ý, khi chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản, mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Biến chứng nguy hiểm bệnh tiểu phế quản ở trẻ
Trẻ bị viêm tiểu phế quản nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là đối với trẻ sinh non hoặc đang gặp phải các vấn đề sức khỏe khác, mắc các bệnh mãn tính. Các biến chứng này bao gồm:
- Rối loạn chức năng hô hấp;
- Suy hô hấp cấp;
- Tràn khí màng phổi;
- Ngưng thở;
- Viêm phổi ở trẻ;
- Xẹp phổi;
- Viêm tai giữa ở trẻ;
- Hen phế quản ở trẻ…
Ngoài ra, bệnh còn có nguy cơ gây tử vong cho trẻ dưới 0,1 % số trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản khi trẻ được chăm sóc y tế đầy đủ.
Phòng ngừa viêm tiểu phế quản ở trẻ
Một nghiên cứu cho thấy, trong vòng 1 năm sau khi bệnh đã được điều trị hoàn toàn, viêm tiểu phế quản có khả năng tái phát đến 75%. Do đó, việc chủ động phòng ngừa bệnh viêm tiểu phế quản có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ đối với trẻ chưa từng mắc bệnh mà còn đối với các trẻ đã từng mắc bệnh này.
Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em là bệnh lây truyền qua đường hô hấp do đó cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh là thường xuyên rửa tay, khử khuẩn và đeo khẩu trang khi chăm sóc trẻ bị bệnh. Một số biện pháp phòng bệnh viêm tiểu phế quản hiệu quả như:
- Trước và sau khi chạm vào trẻ, mọi người nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc vệ sinh bằng cồn;
- Cách ly trẻ với những đứa trẻ khác khi trẻ có các biểu hiện của bệnh viêm tiểu phế quản và ngược lại nhằm ngăn chặn sự lây lan virus;
- Tiêm Palivizumab, nhất là các trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao để phòng ngừa sự tấn công của RVS;
- Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày;
- Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên. Nghiên cứu cho thấy, trong sữa mẹ có các kháng thể giúp trẻ chống lại nhiễm trùng và có thể giúp trẻ ngăn ngừa bệnh viêm tiểu phế quản;
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, nhất là khói thuốc lá;
- Vệ sinh không gian sống, đồ chơi và các đồ vật trẻ thường tiếp xúc sạch sẽ;
- Tránh cho trẻ dùng chung đồ cá nhân như cốc, chén, muống,… với người khác, đặc biệt là những người đang có dấu hiệu sổ mũi, ho, sốt,…
- Mặc dù vẫn chưa có vacxin phòng ngừa virus RSV và Rhinovirus (hai nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em) nhưng bố mẹ nên cho trẻ tiêm phòng cúm định kỳ cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Điều này sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng, hỗ trợ miễn dịch cho trẻ.
- Tập thói quen dùng giấy che miệng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt giấy vào thùng rác cho trẻ;
- Giữ ấm cho trẻ, không để trẻ bị lạnh;
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính: Chất bột đường, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất…
Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là một trong những bệnh lý thường gặp, có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Do đó, bố mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ, nhất là khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh.
Giản Đơn